5 năm hoạt động, Tổ công tác của Thủ tướng đã tạo được những dấu ấn nổi bật, góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh khiến uy tín của Việt Nam tăng mạnh. 

Sáng nay (16/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng.

Báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm hoạt động, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng điểm lại thời điểm Tổ công tác ra đời trước yêu cầu tăng cường hiệu quả đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao theo hướng thực chất, quyết liệt hơn, đổi mới về phương pháp, đảm bảo tất cả nhiệm vụ được giao phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hướng tới chấm dứt tình trạng “bắn chỉ thiên” như Thủ tướng quán triệt.

Ông Dũng nhấn mạnh, Tổ công tác là sáng kiến của Thủ tướng, là một mô hình thiết chế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng lần đầu tiên được thành lập.

“Qua 5 năm, Tổ công tác đã tạo được những dấu ấn nổi bật cả về phương pháp, cách thức cũng như kết quả đạt được trong hoạt động; bám sát các ưu tiên, trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành”, ông Dũng nói.

Câu chuyện từ 13 giấy phép đối với socola đến uy tín Việt Nam tăng đột biến
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị.

Ông cho biết sau mỗi cuộc kiểm tra, Tổ công tác đều có báo cáo, kiến nghị gửi Chính phủ, Thủ tướng về tình hình và những biện pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

“Tổng cộng có hơn 300 nhiệm vụ cụ thể đã được Tổ công tác báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng để giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện”, Tổ trưởng Tổ công tác thông tin.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ công tác đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với hàng trăm lượt làm việc với 80 bộ, cơ quan, địa phương; tổ chức 16 buổi làm việc với các hiệp hội để lắng nghe phản hồi chính sách, những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi năm, hoạt động của Tổ công tác đều có những thông điệp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.

Ví dụ như việc xử lý hơn 24.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng; tiêu hủy các lô hàng hải sản tồn kho cho người dân và doanh nghiệp 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, chống gian lận xuất xứ hàng hóa; vấn đề cấp phép nạo vét, khơi thông luồng lạch có tận thu; việc một mặt hàng có 2 – 3 bộ hay đơn vị thuộc bộ quản lý, cá biệt nhất là sản xuất socola cần 13 giấy phép chuyên ngành…

Câu chuyện từ 13 giấy phép đối với socola đến uy tín Việt Nam tăng đột biến
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra đột xuất tại cảng Hải Phòng ngày 29/1/2019. 

Qua 5 năm, chất lượng chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng ngày càng được nâng cao, việc điều chỉnh tiến độ trình, việc xin chuyển, xin rút cơ bản được khắc phục. Báo cáo của Tổ công tác cho thấy cả nhiệm kỳ 2016-2021 (tính đến hết tháng 2/2021), chỉ có 12/2.504 đề án được chưa trình – chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước.

Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến rõ rệt, số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay – chỉ còn nợ đọng 3 văn bản quy định chi tiết của năm 2020.

Về bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, đó là làm việc quyết liệt, công tâm, trách nhiệm, không né tránh, ngại va chạm, tất cả vì công việc và đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Báo cáo thẳng thắn, khách quan, có minh chứng cụ thể; tham mưu, kiến nghị hiệu quả, đúng pháp luật, nhất là khi đề xuất tháo gỡ, vướng mắc về cơ chế, chính sách hay sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật.

Sự sát cánh, đồng hành, tham gia tích cực và đưa tin kịp thời của các cơ quan báo chí đã giúp tạo sức ép, tăng tính công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong thực thi các cam kết, là một trong những nhân tố quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác.

Tổ công tác của Thủ tướng không ngại va chạm

Phát biểu tại tổng kết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ trong các cuộc giao lưu quốc tế gần đây, sự quan tâm dành cho Việt Nam và uy tín của Việt Nam tăng đột biến.

Dẫn đánh giá “Việt Nam đứng hàng đầu về chống dịch Covid-19 và bảo vệ tốt nền kinh tế”, ông Bình cho rằng “niềm tin” của người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trong các cuộc trao đổi với doanh nghiệp đánh giá về Chính phủ nhiệm kỳ qua, ông Bình cho biết chữ “niềm tin” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Trong các thông điệp của Chính phủ nhiệm kỳ XIV, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho hay, nhiều doanh nghiệp đều chọn thông điệp “hành động”.

Nhắc đến vai trò Tổ trưởng công tác Thủ tướng của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ông Trương Gia Bình cho rằng “việc của bộ trưởng là việc chẳng ai thích là vì nó va chạm”. Ông đánh giá cách giải quyết công việc của Tổ công tác là sự hy sinh cá nhân, vì không phải ai cũng dám phê bình lãnh đạo một cách thẳng thắn.

“Tôi đi cùng bộ trưởng xuống kiểm tra hải quan Hải Phòng, bộ trưởng ngồi ngay vào máy tính thì thấy hệ thống tắc vì chưa kịp đầu tư hạ tầng. Sau đó bộ trưởng ngồi họp ngay, đưa ra quyết sách tại chỗ”, ông Bình kể lại.

Nhờ sự hành động quyết liệt của Chính phủ, ông Bình đánh giá Việt Nam đã tăng trưởng một cách ngoạn mục, niềm tin đang không ngừng được thiết lập.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong 5 năm qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng Tổ công tác đã không ngại va chạm, phối hợp chặt chẽ với tất cả bộ, ngành, địa phương để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động.

Tổ công tác cũng truyền đi tinh thần cải cách và đổi mới tới các bộ, ngành; quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng ấn tượng sau một số cuộc làm việc giữa Tổ công tác với Bộ Y tế. Trong đó có việc thay thế Nghị quyết 38 bằng Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Ông Long ví von Nghị quyết 38 gây nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước khi doanh nghiệp phải thực hiện nhiều quy trình, còn cơ quan quản lý luôn phải ở trong “rừng thủ tục”, điển hình như câu chuyện một thanh socola gánh 13 loại phí.

Từ câu chuyện đó và qua các cuộc làm việc với Tổ công tác, Bộ trưởng Y tế cho biết bộ đã xây dựng nghị định thay đổi căn bản cách quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao chất lượng, vai trò của doanh nghiệp, cắt giảm nhiều thủ tục…

Ông Long cũng nhắc lại một số cuộc làm việc với Tổ công tác cũng có lúc “tranh luận nảy lửa”, nhưng chốt lại đều vì tư tưởng đổi mới, cải cách. Nhận định tổ công tác làm việc rất hiệu quả, người đứng đầu ngành Y tế mong muốn mô hình, tư tưởng đổi mới sẽ tiếp tục được lan tỏa.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : giấy phépMai Tiến DũngsocôlaThủ tướng Nguyễn Xuân Phúcuy tín

Các tin liên quan đến bài viết