Nhiều người Mỹ cũng như người Việt và người gốc Á ở Mỹ sẽ mừng vui khi có tiền trả tiền thuê nhà, cho con đi học… Nhưng đồng tiền nhà nước chảy ra thì cũng có nghĩa tiền nợ công càng cao. Nợ thì phải trả.
“Nhờ kế hoạch hồi phục kinh tế này, tôi tin chắc là khi thoát khỏi đại dịch, người dân Mỹ sẽ có được một nền kinh tế vững chắc.
Bà Janet Yellen (bộ trưởng Tài chính Mỹ) phát biểu sau kết quả bỏ phiếu
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật hồi phục kinh tế liên quan tới đại dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất cách đây 7 tuần. Được gọi là thắng lợi chính trị lớn đầu tiên của ông Biden nhưng dự luật cũng gây nhiều lo âu về khả năng làm nóng nền kinh tế.
Gói cứu trợ bao gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho hàng triệu người dân Mỹ với tổng số tiền 400 tỉ USD, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp 300 USD/tuần cho 9,5 triệu lao động, tài trợ tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19 (49 tỉ USD cho xét nghiệm và nghiên cứu, 14 tỉ USD cho phân phối vắcxin và tiêm chủng), hỗ trợ ngân sách 350 tỉ USD cho các chính quyền bang và địa phương, hỗ trợ 129 tỉ USD cho các trường học, tăng tín dụng thuế thu nhập và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025.
Cuộc chạy đua xuyên đêm
“Kế hoạch hồi phục” khổng lồ này có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua tháng 12 năm ngoái là một trong những dự luật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và được kỳ vọng có thể tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của nước Mỹ.
“Chúng ta đã thực hiện một bước tiến khổng lồ để giúp đỡ người dân Mỹ”, ông Biden tuyên bố từ Nhà Trắng sau khi biết tin về kết quả bỏ phiếu ở Thượng viện. Ông thừa hiểu việc thông qua khó khăn đến thế nào khi cuộc bỏ phiếu marathon cho nhiều điều khoản bắt đầu từ sáng 5-3 (giờ Mỹ), có lúc bị đình trệ hơn 9 giờ và cuối cùng phải bỏ phiếu xuyên đêm đến tận trưa 6-3 để qua ải ở mức sít sao 50/49 với sự ủng hộ tuyệt đối của các thượng nghị sĩ (TNS) Dân chủ. Các TNS Cộng hòa (TNS Dan Sullivan của Alaska vắng mặt) bỏ phiếu chống vì cho rằng dự luật quá tốn kém và không đúng đối tượng.
Có thông tin cho rằng đích thân ông Biden đã phải nhấc điện thoại gọi điện cho TNS Joe Manchin (bang West Virginia, thuộc Đảng Dân chủ có tư tưởng bảo thủ) là người dọa từ chối bỏ phiếu thuận liên quan thời hạn về hỗ trợ thất nghiệp (300 USD/tuần).
Được nhận định là đặt nhiều tâm huyết cho kế hoạch này nên người ta có thể hiểu ông Biden phải làm hết mọi cách. Ông hiểu đó là một trọng trách lấy niềm tin của người dân khi mà còn đến 18 triệu người Mỹ đang phải nhận trợ cấp do bị mất việc hoặc thu nhập sụt giảm do dịch.
Dự luật sẽ được gửi lại cho Hạ viện (do Đảng Dân chủ chiếm đa số) thông qua lần cuối trong tuần này trước khi được gửi tới tổng thống ký ban hành mà theo thông tin hậu trường là sẽ trước ngày 14-3, ngày hết hạn của gói cứu trợ thất nghiệp trước. Nghị sĩ Steny Hoyer, lãnh đạo Dân chủ ở Hạ viện, cho biết dự luật sẽ được Hạ viện xem xét vào ngày 9-3 trước khi bỏ phiếu.
Có tiền là tiêu
Dự luật như vậy chắc chắn sẽ được thông qua. Và như lời ông Biden đã nói, nhiều người Mỹ sẽ mừng vui khi có tiền trả tiền thuê nhà, cho con đi học… Có tiền “trời cho” thì đương nhiên người thụ hưởng phải vui, nhất là trải qua một thời gian dài dịch giã làm mất việc, thay đổi nhiều thói quen trong cuộc sống. “Với tiến độ hiện nay thì phải mất hai năm mới trở lại mức của tháng 2-2020”, ông Biden đã nhận định như thế.
Với người Việt và người gốc Á nói chung, có tiền hỗ trợ thì quả là hạnh phúc khi nhiều người thuộc cộng đồng này nằm trong nhóm mất việc, giảm thu nhập hoặc thu nhập vốn thấp, kể cả khi chưa có dịch. Không ít báo chí Mỹ đã chỉ ra rằng “những tấm gương người gốc Á cần mẫn, thông minh, chăm chỉ và giàu có” chỉ là huyền thoại.
Các số liệu thống kê đã cho thấy điều đó. Theo báo cáo công bố mùa thu năm rồi của Liên đoàn Mỹ gốc Á (AAF) – một tổ chức phi lợi nhuận, tỉ lệ người gốc Á thất nghiệp ở New York lên đến 25%, cao nhất trong các nhóm sắc tộc và 1/4 số người gốc Á sống trong nghèo khó và 1/2 gặp khó khăn về ngôn ngữ tiếng Anh để hòa nhập xã hội.
Nhưng đồng tiền nhà nước chảy ra thì cũng có nghĩa tiền nợ công càng cao. Nợ thì phải trả. Một trong những nguồn thu khiến không ít người phải cảnh báo là thuế. Và cũng không ít chuyên gia lo lắng gói tài trợ quá lớn này của chính quyền ông Biden sẽ khiến nền kinh tế nóng quá nhanh dẫn đến lạm phát.
Đó là chưa kể tâm lý có tiền thì chi tiêu rộng tay một chút khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại. Kinh tế mở lại cùng lúc có tiền “nhà nước cho” thì không loại trừ giá cả sinh hoạt lại nhích lên.
Các thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ phụ thuộc đến 2/3 vào tiêu dùng của người dân. Sau một khoảng thời gian dài “nhịn xài” vì không thể đi lại hoặc vì lo lắng với dịch, người Mỹ đã chi tiêu tốt hơn (số liệu tháng 1-2021 đã cho thấy) và các khoản tiết kiệm giữ được trong kỳ “trú đông bất đắc dĩ” có thể sẽ được đưa ra xài cho… đỡ tức.
Nguồn: tuoitre.vn