Khó có thể chấp nhận việc các tập đoàn công nghệ thu hàng tỷ USD doanh thu song chỉ đóng nhỏ giọt tiền thuế.
Chặn đường né thuế
Thông tin từ Cục Thuế Hà Nội cho biết có 3 cá nhân nộp thuế trên 7 tỷ đồng/người cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã khiến không ít người ngỡ ngàng bởi lợi nhuận mà loại hình này đem lại. Trong đó có một cá nhân có doanh thu hơn 330 tỷ đồng và phải nộp thuế với số tiền lên tới 23 tỷ đồng, tức là khoảng 1 triệu USD.
Có thu nhập thì phải chịu thuế, ai cũng vậy, mà nước nào cũng thế. Chính vì vậy mà ngành Thuế đã và đang trám dần những lỗ hổng trong lĩnh vực thuế đối với môi trường mạng, rất màu mỡ mà vài năm trước thôi còn bị bỏ ngỏ.
Bộ Tài chính đang có những động thái chấm dứt sự bất công trong đóng thuế khi các tập đoàn thu hàng tỷ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt |
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hàng loạt quy định mới về quản lý thuế được thực thi từ năm 2021 sẽ góp phần chống thất thu, gian lận thuế, trốn thuế, đặc biệt với hoạt động thương mại điện tử, nền tảng số.
“Đối với cá nhân có hoạt động cung cấp ứng dụng, sản phẩm tại các kho ứng dụng Google Play, Apple Store, ngành Thuế đã thu thập dữ liệu từ các ngân hàng thương mại, tuyên truyền hướng dẫn, thông báo yêu cầu thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế”, Tổng cục Thuế cho biết.
Song thực tế đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nói tới thu thuế trên không gian mạng, không thể không nhắc tới các đại gia công nghệ như Facebook hay Google. Làm thế nào để thu thuế? Đây là câu hỏi rất khó không chỉ đối với Việt Nam mà ngay cả với nhiều nước trên thế giới.
Thống kê cho thấy trong năm 2017, Facebook đóng thuế 15,8 triệu Bảng tại Anh, tương đương 1% của doanh thu kỷ lục 1,3 tỷ Bảng. Hay cũng năm đó, Amazon đóng 4,5 triệu Bảng tiền thuế trên doanh thu 8,7 tỷ bảng. Google đóng thuế hơn 49 triệu bảng trong khi doanh thu 5,7 tỷ bảng. Apple cũng chỉ đóng 10 triệu bảng trong doanh thu 1,2 tỷ bảng Anh.
Chính vì vậy nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã và đang có những động thái mới để tiến tới việc, chấm dứt sự bất công trong đóng thuế khi các tập đoàn thu hàng tỷ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt, còn doanh nghiệp trong nước dù khó khăn vẫn phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Và đó là lý do xuất hiện của Dự thảo Thông tư mới của Bộ Tài chính về hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.
Thu thuế các tập đoàn công nghệ như Facebook hay Google luôn là một vấn đề nan giải với bất cứ quốc gia nào |
Theo dự thảo, các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, Netflix được phép nộp thuế trực tuyến tại Việt Nam thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Với dự thảo này, trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thuế theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài. Nếu nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam thì bên mua (tức là tổ chức có đăng ký kinh doanh và hoạt động theo pháp luật Việt Nam) hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài phải kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.
Thậm chí là nếu cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay.
Song việc các ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay tiền thuế của các tập đoàn này liệu có khả thi? Một chuyên gia tài chính cho rằng có, bởi thực tế nhiều ngân hàng trên thế giới đã làm việc này. Tuy nhiên, điều này sẽ gia tăng áp lực cho các ngân hàng. Bên cạnh đó là vấn đề đánh thuế 2 lần.
Theo đó, khi thu thuế trực tiếp từ nhà cung cấp nước ngoài có thể sẽ có rủi ro là phát sinh tình huống “đánh thuế hai lần” nếu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp thuế rồi mà người dùng tại Việt Nam vẫn kê khai, nộp thuế. Bởi vậy, thông tư cần có những quy định để xử lý tình huống này.
“Xài chùa” bản quyền, Facebook, Google phải trả phí cho cơ quan báo chí
Bên cạnh thuế, bản quyền là vấn đề đáng lưu tâm khác với các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook hay Google.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho biết các tập đoàn này làm giàu nhờ báo chí, nhưng phí thì chẳng trả đồng nào. Ví dụ như một bài báo vừa xuất bản ít phút, ngay lập tức đã xuất hiện trên Facebook, Google. Video, phim truyện của các đài truyền hình bị cắt ghép, phát lại trên Youtube, Facebook.
Mới đây Australia đã thông qua luật buộc các tập đoàn công nghệ như Facebook hay Google phải trả tiền cho các hãng tin tức |
Theo tờ Đầu tư, Youtube, Facebook và người phát tán nhận tiền quảng cáo, còn cơ quan báo chí – đơn vị sản xuất bị vi phạm bản quyền thì không được đồng nào, thậm chí sản phẩm còn bị bóp méo, xuyên tạc.
Tờ báo này cho biết cơ quan quản lý nhà nước đang lên kế hoạch xây dựng quy định yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới khi sử dụng, khai thác thông tin của báo chí Việt Nam phải trả phí bản quyền cho các cơ quan báo chí chính thống. Động thái này được cho là rất quyết liệt, nhưng để thực hiện được sẽ là một cuộc chiến vô cùng cam go.
Hiện có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức buộc Facebook, Google phải trả tiền cho các hãng tin để hiển thị nội dung tin tức. Các quốc gia, vùng lãnh thổ này đã thành lập các liên minh, nghiệp đoàn và soạn thảo các dự luật tương tự như của Australia.
Nguồn: vietnamnet