Khán giả nhớ mãi nụ cười hiền từ của “ông già khắc khổ” Trần Hạnh trong các thước phim.
Gắn liền với những vai diễn hiền lành, chất phác, nghệ sĩ Trần Hạnh đã là người nghệ sĩ nhân dân từ lâu trong lòng công chúng, trước khi ông được đặc cách phong tặng danh hiệu này vào năm 2019. Sáng ngày 4/3/2021, ông qua đời vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 92 tuổi. Khán giả nghẹn ngào nhớ về ông, người nghệ sĩ cả một đời cống hiến cho vai diễn, 89 tuổi vẫn đam mê với nghệ thuật.
Sinh năm 1929, nghệ sĩ Trần Hạnh vốn xuất thân từ một anh thợ đóng giày trước khi có niềm đam mê với sân khấu kịch và nghệ thuật. Cuộc đời ông trải qua nhiều vất vả, có những nét giống như những vai diễn của ông trên màn ảnh. Ở tuổi 30, ông sáng đến xưởng làm giày, tối về đi diễn trên sân khấu.
Nghệ sĩ Trần Hạnh nhận danh hiệu NSND năm 2019 khi đã bước vào tuổi 90
Về đời tư, nghệ sĩ Trần Hạnh lấy vợ năm 23 tuổi. Nghệ sĩ Trần Hạnh từng tâm sự, cuộc đời thực của ông có khi còn buồn và khổ hơn phim. Gần chục năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau khi bị tai biến mạch máu não. Vợ ông mất cách đây hơn chục năm do tai biến, còn một mình ông chọn cách sống giản dị, vui vầy bên con cháu, hàng ngày ra bán hàng cùng con ở cửa hàng. Khi những lúc vắng khách, ông vẫn thường nghe người con dâu đọc kịch bản để khuây khỏa nỗi buồn nhớ nghề. Sức khỏe ông khi về già, nhất là đã ngoài 90 trở nên giảm sút, một bên mắt không nhìn thấy, bên mắt còn lại thị lực giảm 30%.
Ông ra đi trong một buổi sớm Hà Nội lành lạnh, vẫn còn tiết trời xuân. Những đồng nghiệp, thế hệ sau đều tiếc nhớ về ông, khán giả khắc sâu hình ảnh ông với nụ cười hiền từ, gương mặt khắc khổ trên màn ảnh. Nhớ về ông, công chúng nhớ về những vai diễn khó quên mà ông đã hóa thân chân thật.
Cố nghệ sĩ Trần Hạnh (phải) và cố nghệ sĩ Trần Vân trong vở “Hẹn ngày trở về”.
Ông đã có 60 năm gắn bó với nghệ thuật nước nhà. Mỗi một thước phim là sự đau đáu với nghề, diễn hết mình nên từ lâu ông đã là nghệ sĩ nhân dân trong lòng hàng triệu trái tim khán giả Việt Nam.
Trong đóng phim, vai đầu tiên của ông là vai nam chính cho phim “Chiếc bình tiền kiếp” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.
Sau đó ông tham gia hàng loạt phim khác như: Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Làng nổi…
Nghệ sĩ Trần Hạnh trong phim “Thời xa vắng” với nụ cười hiền từ.
Khi hay tin NSND Trần Hạnh qua đời, nghệ sĩ Chiều Xuân rưng rưng nhớ lại kỷ niệm khi còn được đóng chung phim “Người yêu đi lấy chồng” (1994) với cố nghệ sĩ. “Vẫn biết cõi đời là cõi tạm, bố Hạnh đã 92 tuổi rồi, nhưng nghe tin bố ra đi con không thể không nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi.
Chắc ở bên thế giới bên kia giờ này bố đã đoàn tụ cùng các cô chú và các anh các chị đi trước, chắc bố lại đang chuẩn bị cho một vai diễn mới của mình ở thế giới đó, dù ở thế giới nào cái nghiệp diễn vẫn là lẽ sống của bố, cái nghiệp diễn mang đầy lòng trắc ẩn, chia sẻ với con người với cuộc đời này. Cảm ơn bố đã đem đến cho cuộc sống này một tâm hồn giản dị và thanh tao như con người bố Trần Hạnh vậy.
Tiễn bố trong một ngày mưa phùn mùa xuân Hà Nội” – Nghệ sĩ Chiều Xuân viết.
Vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà cố nghệ sĩ Trần Hạnh tâm đắc nhất là vai ông Cần trong phim “Cuốn sổ ghi đời” của đạo diễn Tất Bình. Năm 2009, ông tham gia phim Người đàn bà thứ hai (trong ảnh). Trong phim, nghệ sĩ Trần Hạnh vào vai bố đẻ của Đạt – một người đàn ông hiền lành, có phần nhu nhược, không hề có tiếng nói trong cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu. Khoảng cách của hai thế hệ với những mâu thuẫn không thể giải quyết khiến người xem thấy thương cảm cho nhân vật người cha do nghệ sĩ Trần Hạnh đóng.
Bộ phim “Vệt nắng cuối trời” quay năm 2008, phát sóng năm 2010 cũng là vai diễn đáng nhớ của cố nghệ sĩ. Ông vào vai ông cụ nhà quê được con cháu đưa lên thành phố sống để chữa bệnh. Ông sống cùng nhà con cả trong khi những người con khác mưu mô muốn chia mảnh đất tại quê. Đó là một người cha, người ông rất mực thương yêu con cháu nhưng cũng vấp phải những mâu thuẫn vì thú vui trái ngược giữa các thế hệ.
Ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 – 1996, ông đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim “Nước mắt đàn bà”. Vai ông Thống trong phim truyền hình “Ngõ lỗ thủng” cũng trở thành vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp của ông. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn này. Gia đình ông Thống sống nghèo khổ biết bao năm. Đến khi 2 người con gái ông trưởng thành, họ không cam chịu cuộc sống như vậy nên tìm mọi cách để làm giàu. Ông Thống không chịu được cảnh các con sống thực dụng, bất chấp mọi thứ để làm giàu, bất lực nhìn các con xa rời vòng tay mình.
Phim truyền hình gần đây nhất nghệ sĩ Trần Hạnh tham gia là Bão qua làng (2014) của đạo diễn Quốc Trọng.
Trong phim “Bão qua làng”, ông đóng vai một ông cụ nông thôn, sống với người con trai bị vợ bỏ. Khắc họa tự nhiên một nhân vật có lối sống giản dị chân chất như chính con người mình, nghệ sĩ Trần Hạnh được khán giả yêu mến.
Ở tuổi 89, ông vẫn tham gia đóng phim vì yêu nghề, nhớ nghề dù tuổi cao sức yếu. Sau phim “Bão qua làng”, ông đóng một số tiểu phẩm hài và nhận một vai nhỏ trong phim điện ảnh Cha cõng con (2017) của đạo diễn Lương Đình Dũng. Ông vào vai một người ông vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thương cháu đang bị ung thư máu nên sẵn sàng bắt trộm gà để nấu bát cháo gà cho cháu ăn. Đạo diễn Lương Đình Dũng đã chia sẻ vai diễn của NSƯT Trần Hạnh chỉ là vai phụ nhưng lại khiến người xem cảm động và diễn xuất của ông trong phim này “không có gì phải bàn”.
Theo Dân Trí
CÁC TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC
- Ngân 98 tiết lộ có bạn trai mới sau 7 năm yêu Lương Bằng Quang?
- “Các cụ vẫn hoạt động thì ban nhạc trẻ như Bức Tường có là gì”
- Đi Giữa Trời Rực Rỡ: Con trai Vân Dung được ‘đẩy thuyền’ với nữ phụ, nhan sắc đỉnh không kém chính thất
- Siêu mẫu Thanh Hằng gửi đơn tố cáo Hoàng Thùy
- Bài văn tiểu học nhận 10 điểm khiến cô giáo phải bật khóc
- Review Bad Boys: Ride or Die: Kế thừa tốt phần tiền nhiệm, Will Smith – Martin Lawrence toả sáng