Nhiều trường đại học thực hiện chính sách miễn học phí, trả lương cho người làm nghiên cứu sinh tại trường.
Cuối năm 2018, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ban hành quy định chế độ làm việc đối với nghiên cứu sinh học tập liên tục tại trường. Nghiên cứu sinh toàn thời gian được xem là nhân sự làm việc toàn thời gian và phải ký hợp đồng với trường.
Theo trường, quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đúng hạn và thúc đẩy công bố quốc tế.
Lương 10 – 20 triệu/tháng
Theo quy định này, nghiên cứu sinh toàn thời gian được miễn 100% học phí (khoảng 25 triệu đồng/học kỳ 5 tháng) từng năm theo kết quả học tập và nghiên cứu năm trước đó.
Người tham gia được bố trí không gian làm việc tại phòng làm việc của nghiên cứu sinh hoặc phòng làm việc của giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Người có hộ khẩu ngoài TP.HCM được bố trí chỗ ở miễn phí tại các khu lưu trú của trường.
Đối với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sinh được hưởng mức hỗ trợ tài chính nghiên cứu, công bố quốc tế như viên chức của trường. Khi được đồng ý, nghiên cứu sinh có thể giảng dạy và được hưởng thù lao như giảng viên thỉnh giảng có học vị thạc sĩ.
Bên cạnh quyền lợi, nghiên cứu sinh cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như làm việc mỗi tuần 40 giờ, trước khi bảo vệ luận án cấp trường phải công bố tối thiểu một bài trên tạp chí thuộc danh mục ISI – Scopus và một bài trên tạp chí Jabes phiên bản tiếng Anh.
Nếu không hoàn thành nghĩa vụ công bố, người học phải hoàn trả mức học phí đã được hỗ trợ.
Năm 2020, một số trường đại học cũng đưa ra chính sách trả lương, hỗ trợ học phí tương tự.
Trong đó, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) áp dụng chính sách học có lương dành cho những thí sinh trúng tuyển và đạt học bổng tuyển sinh chương trình tiến sĩ. Khi tham gia chương trình, nghiên cứu sinh sẽ nhận học bổng, nhiều nhất là 100% học phí.
Ngoài ra, hằng tháng mỗi nghiên cứu sinh được cấp chi phí sinh hoạt 10 triệu đồng/tháng, được bố trí chế độ làm việc và sinh hoạt như nghiên cứu viên của nhà trường.
Trường ĐH Văn Lang cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ dành cho nghiên cứu sinh. Theo đó, nghiên cứu sinh được trả lương từ 10-20 triệu đồng/tháng, miễn học phí 11 tín chỉ học phần phục vụ luận án tiến sĩ (tương đương 16,5 triệu đồng).
Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh được thưởng 40 triệu đồng/bài báo ISI, hỗ trợ chi phí nghiên cứu lên đến 300 triệu đồng/học viên khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của trường…
Đôi bên đều lợi
Ông Trần Tiến Khoa – hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế – cho biết do mới triển khai nên mỗi khoa chỉ có vài người tham gia chương trình.
“Đối tượng tham gia không giới hạn trong hay ngoài trường, nhưng người ngoài trường thường đã làm việc ở nơi khác rồi nên không thể ký hợp đồng tham gia chương trình. Học phí một khóa tiến sĩ 3 năm khoảng 200 triệu đồng.
Nếu không có hỗ trợ về học phí, người học có thể gặp khó khăn, ngại học hoặc vừa học vừa làm việc khác để có thể trang trải chi phí học tập. Giáo sư nước ngoài họ trực tiếp trả lương cho nghiên cứu sinh làm nghiên cứu.
Điều kiện Việt Nam chưa đủ để làm như vậy nên trường đứng ra hỗ trợ gián tiếp để nghiên cứu sinh yên tâm, tập trung nghiên cứu, hoàn thành chương trình. Thực tế việc tuyển sinh sau đại học có phần khó khăn nên chính sách này hi vọng có thể thu hút người học khi có điều kiện hoàn thành tốt chương trình” – ông Khoa nói.
Cũng theo ông Khoa, mục đích chính của chính sách này là thu hút người giỏi tham gia vào các nhóm nghiên cứu mạnh của trường, đẩy mạnh công bố quốc tế. Nhiều người có năng lực nghiên cứu rất tốt, chỉ cần được tạo điều kiện và hỗ trợ.
Đây chỉ là một việc nhỏ nhưng có tác động đến nhiều phía: người học yên tâm học tập, nghiên cứu; trường có nghiên cứu viên giỏi, có đề tài khoa học, có nhóm nghiên cứu mạnh hơn, công bố quốc tế nhiều hơn.
Tương tự, ông Võ Văn Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang – cho biết mục đích chính của chính sách hỗ trợ này là nâng cao năng lực chuyên môn, nghiên cứu của đội ngũ giảng viên trường. Khi năng lực giảng viên nâng lên, công bố quốc tế bằng chính thực lực cũng sẽ nhiều hơn.
“Khi chất lượng đội ngũ, chất lượng của trường nâng lên sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo của trường hơn nữa và cái đích cuối cùng, sinh viên cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách này dù không tham gia trực tiếp” – ông Tuấn nói thêm.
“Làm tiến sĩ là nghề”
Từ năm 2019, Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Tập đoàn Vingroup) thực hiện trao học bổng cho học viên, nghiên cứu sinh trong nước. Trong đó, học bổng tiến sĩ trị giá 150 triệu đồng/năm, học bổng thạc sĩ trị giá 120 triệu đồng/năm.
Ông Vũ Hà Văn, giám đốc khoa học Quỹ đổi mới sáng tạo, cho biết ở Mỹ và nhiều nước khác, làm tiến sĩ là nghề, có vị trí trong trường đại học và được trả lương, người học dành toàn thời gian cho việc học tập, nghiên cứu.
Trong khi đó ở Việt Nam mọi người học tiến sĩ phải làm thêm việc nào đó để lo bản thân và gia đình. Nghiên cứu sinh chỉ còn lại vài tiếng một ngày, thậm chí một tuần, để nghiên cứu nên không thể đạt kết quả như kỳ vọng.
“Chúng tôi xây dựng một chương trình nhằm hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện kinh tế căn bản để các học viên cao học, các nghiên cứu sinh xuất sắc chuyên tâm học tập, vững tâm đi theo con đường nghiên cứu khoa học” – ông Văn nói.
* PGS.TS HỒ VIẾT TIẾN (viện trưởng Viện đào tạo sau đại học, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Tăng công bố quốc tế
Sau 2 năm thực hiện, mỗi năm Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có 2-4 nghiên cứu sinh ngoài trường tham gia chương trình.
Với chính sách này, trường hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế, số lượng bài công bố quốc tế tăng nhiều hơn, 50% nghiên cứu sinh làm luận án bằng tiếng Anh đều tham gia hội thảo quốc tế, thực hiện công bố quốc tế và ngay cả các nghiên cứu sinh không tham gia chương trình cũng tích cực tham gia việc công bố quốc tế hơn so với trước kia.
Nguồn: tuoitre.vn