‘Rất nhiều thầy cô trong số chúng tôi đã giành được thành tích cao, đạt chiến sĩ thi đua, nhiều sáng kiến kinh nghiệm và bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi. Nhưng giờ đây, chỉ vì thiếu bằng thạc sĩ, chúng tôi không đủ điều kiện để giữ hạng’.
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư mới liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập, nhiều giáo viên, trong đó có cả những người đã công tác lâu năm, bày tỏ lo ngại khi chiếu theo các thông tư mới sẽ bị “tụt hạng”.
Còn nhiều vướng mắc
Chia sẻ trên VietNamNet, cô giáo M.T.N (giáo viên THCS tại Thái Nguyên) cho biết bản thân đi dạy từ năm 1994, hiện đang được hưởng hệ số lương 4,98. Gần 30 năm đứng lớp, cũng giống như nhiều giáo viên lâu năm khác, cô N. băn khoăn về việc nếu không có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng 2 thì sẽ phải tụt xuống hạng 3. Như vậy, các chế độ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi đều là những người có nhiều năm cống hiến cho ngành. Chúng tôi cũng chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Nếu giờ đây vẫn phải đi học lấy chứng chỉ để được “giữ hạng” thì thật vô lý và tạo ra quá nhiều mệt mỏi cho giáo viên”, cô N. lo lắng.
Đang là giáo viên THPT hạng 1, thầy giáo L.M.T (Hà Nội) cho biết, cách đây 9 năm, khi muốn nâng hạng, các giáo viên trong trường đã phải trải qua một đợt sát hạch hồ sơ, sau đó tiếp tục ôn thi và tham gia kỳ thi với 4 môn thi bắt buộc.
“Khi đỗ, chúng tôi vô cùng vui mừng vì đã dốc hết tâm huyết, sức lực, năng lực để đạt được vị trí của các giáo viên hạng 1. Thời gian sau đó, rất nhiều thầy cô trong số chúng tôi đã giành được thành tích cao, đạt chiến sĩ thi đua, nhiều sáng kiến kinh nghiệm và bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi thành phố.
Nhưng giờ đây, chỉ vì thiếu bằng thạc sĩ, chúng tôi không đủ điều kiện để giữ hạng. Nhiều giáo viên lâu năm cũng phải ngậm ngùi vì bị tụt hạng do đã lớn tuổi, không thể đi học thạc sĩ bổ sung. Do vậy, chúng tôi rất mong có chế độ chính sách bổ sung để giáo viên không bị thiệt thòi”, thầy T. kiến nghị.
Cũng vì chưa có bằng thạc sĩ, cô giáo H.A.P (giáo viên tại Hải Phòng) lo lắng không thể giữ hạng dù đã đủ điều kiện dự thi và thăng hạng giáo viên THPT hạng 1 từ năm 2012.
“Bản thân tôi từng là thành viên đoàn đánh giá ngoài của Sở GD-ĐT, từng là báo cáo viên của huyện về công tác chuyên môn và phương pháp mới trong dạy học; tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên các nhà trường trong toàn huyện; tham gia đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học cấp huyện; trực tiếp hướng dẫn các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp huyện, thành phố; tham gia ban giám khảo và ra đề trong các hội thi của giáo viên giỏi và học sinh giỏi cấp huyện; tham gia dạy bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện và có nhiều giải cao.
Bên cạnh đó, tôi cũng có 15 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 15 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện và thành phố; là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; 4 năm liền đạt cấp thành phố và cấp quốc gia cuộc thi dạy học theo chủ đề,… Do đó, với thông tư mới này, tôi vô cùng hoang mang vì rất có thể, chúng tôi sẽ phải quay trở về vạch xuất phát”, cô P. nói.
Quy định không riêng ngành giáo dục
Trước những lo lắng, thắc mắc của giáo viên các địa phương vì “giấy phép con” để giữ hạng, thăng hạng giáo viên, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay, đây là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà không riêng gì ngành giáo dục.
Cụ thể, quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (trước đây) và các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (thay thế các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101 của Chính phủ.
Trong đó, Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33).
Còn Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).
Do đó, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà không riêng gì ngành giáo dục.
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, thực tế, ngành giáo dục cũng nỗ lực trong việc đề nghị được thay các chứng chỉ này bằng các chứng chỉ chuyên ngành của ngành giáo dục, nhưng đây là quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101 thì không thể làm khác được.
Mặt khác, theo vị đại diện này, không phải khi nào giáo viên cũng phải đi học chứng chỉ ấy.
“5, 7 năm, thậm chí từ hạng III lên hạng II là 9 năm và hạng II lên hạng I là 6 năm mới phải đi học một lần. Ai có nhu cầu thăng hạng thì mới phải đi học. Việc đi học để giúp giáo viên nắm thêm về quản lý hành chính nhà nước, hiểu được vị trí của mình là viên chức nhà nước. Trong việc học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh này, có một số chuyên đề trùng với chuyện giảng dạy của giáo viên nên một số thầy cô cứ nghĩ là không cần thiết”, vị này nói.
Giáo viên vẫn rối bời
Trước những yêu cầu mới này, nhiều giáo viên đang sốt sắng tìm lớp học và thi chứng chỉ.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn cho rằng, “chứng chỉ không những không phản ánh thực chất, đúng năng lực giáo viên mà còn khiến giáo viên vất vả”.
Giáo viên muốn giữ hạng vẫn cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại các Thông tư 01, 02, 03, 04, trong đó có “Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh” |
Chia sẻ trên VietNamNet, thầy giáo N.V.N cho rằng: “Các quy định về tiêu chuẩn thăng hạng tưởng chừng rất hợp lý, nhưng khi đi vào thực tiễn lại hết sức vô lý. Điều này khiến nhiều giáo viên các cấp phải tìm đủ mọi cách để hợp lý hóa hồ sơ, nghiên cứu cả đống tài liệu về quản lý nhà nước, văn bản pháp luật trong khi yêu cầu và nhiệm vụ lại không cần sử dụng đến”.
Độc giả H.C.K cho rằng, các chứng chỉ này không cần thiết vì sẽ tạo ra nhiều tiêu cực và những “hố ngăn” giữa các đồng nghiệp với nhau.
“Thực chất giữa giáo viên hạng I, II, II của mỗi cấp học không có gì khác nhau về đối tượng học sinh, nội dung chương trình, yêu cầu chuyên môn, quy chế kiểm tra đánh giá. Nên chăng, Bộ GD-ĐT có cách giải quyết phù hợp, tránh tiêu cực trong việc xét nâng ngạch giáo viên các cấp”, độc giả đề xuất.
Độc giả N.L.L cũng cho rằng, trước đó, nhiều giáo viên mừng vui khi Bộ GD-ĐT đã ‘bỏ’ chứng chỉ tin học và ngoại ngữ trong việc bổ nhiệm, thăng hạng, nhưng giờ giáo viên tiếp tục lại phải “chạy đua” đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
“Các chứng chỉ này, nghe thì có vẻ có lý, nhưng thực ra lại đang được thực hiện một cách không thực chất, chỉ làm lợi cho những đơn vị mở lớp dạy và cấp chứng chỉ mà thôi”.
Trước những băn khoăn này, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, việc giáo viên muốn giữ hạng vẫn cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại các Thông tư 01, 02, 03, 04, trong đó có “Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh”.
“Tuy nhiên, đối với những thầy cô còn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, cần đợi đến khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT mới đi học; tránh tình trạng lo lắng và tự đi học vì thấy có một số trung tâm đang quảng cáo mời chào học trực tuyến để trục lợi”, vị này khuyến cáo.
Nguồn: vietnamnet