Người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Đại diện thương mại Mỹ hứa hẹn sẽ bắt tay cùng các đồng minh của Washington để chống lại các chính sách thương mại “hung hăng” của Trung Quốc.
Trong bản khai viết tay gửi buổi điều trần xác nhận đề cử mình trước Ủy ban Tài chính Thượng viện hôm 25/2, người được Tổng thống Biden chọn cho vị trí Đại diện thương mại Mỹ tuyên bố bà sẽ “ưu tiên tái xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác quốc tế cũng như tái gắn kết với các tổ chức quốc tế”, nhằm cho Bắc Kinh thấy “một mặt trận thống nhất các đồng minh Mỹ”.
Katherine Tai, người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Đại diện thương mại Mỹ. |
Theo AP, bà Tai thông thạo tiếng Hoa và từng có nhiều năm đảm trách vị trí trưởng bộ phận thực thi các chính sách Trung Quốc tại Văn phòng Đại diện thương mại. Bà Tai được tin sẽ theo đuổi đường lối cứng rắn trong các cuộc đàm phán Mỹ – Trung, đồng thời đưa ra các sách lược thực tế và bài bản hơn giúp chính quyền Biden tạo khác biệt với các chính sách biệt lập của chính quyền tiền nhiệm.
“Tôi biết rõ tầm quan trọng của việc chúng ta có một kế hoạch chiến lược và chặt chẽ để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những cam kết cũng như cạnh tranh hiệu quả với mô hình kinh tế nhà nước của họ”, bà Tai nhấn mạnh.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa trị giá 360 tỷ USD của đại lục nhằm trả đũa các hành động của Bắc Kinh bị Washington coi là bất công bằng, nhằm thúc đẩy các công ty công nghệ trong nước cũng như tăng sức cạnh tranh với Mỹ trong những lĩnh vực như điện toán lượng tử, trí thông minh nhân tạo.
Tổng thống Biden và đội ngũ của ông chưa tiết lộ liệu họ có duy trì hàng rào thuế quan chống Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm hay không. Tuy nhiên, chính quyền mới nhiều khả năng sẽ không vội vã “nhẹ tay hơn” với Bắc Kinh.
Các nhà lập pháp và hoạch định chính sách thuộc cả đảng Dân chủ của ông Biden cũng như đảng Cộng hòa đối lập đều nhất trí giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ thương mại, Hong Kong đến các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nguồn: vietnamnet