Những ngày rét đậm, số bệnh nhân đột quỵ chảy máu não tăng 10-20%, rất nhiều trường hợp nặng.
TS Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, liên tiếp những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 35-40 bệnh nhân bị đột quỵ. Trong đó số bệnh nhân nặng tăng lên, riêng nhóm chảy máu não tăng 10-20%.
TS Phương lý giải, trời rét là yếu tố thúc đẩy nguy cơ bị đột quỵ. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách nâng huyết áp lên, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp kịch phát 230/130 mmHg.
Bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu
Tăng huyết là căn nguyên gây ra 80% ca đột quỵ tại Việt Nam. Theo các nghiên cứu, chỉ cần giảm mỗi 2 mmHg huyết áp sẽ giúp giảm 10% tử vong do đột quỵ. Nếu đưa huyết áp về mức tối ưu 120/80 mmHg sẽ phòng ngừa được biến chứng đột quỵ ở hầu hết các trường hợp.
Tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm tăng xơ vữa động mạch, hình thành các cục máu đông, dễ gây nhồi máu não. Ngoài ra, tăng huyết áp cũng làm tăng áp lực các động mạch não khiến các mạch máu dễ vỡ, gây đột quỵ chảy máu não.
Trời rét cũng khiến nhiều người dân có xu hướng ăn mặn hơn, ăn nhiều dầu mỡ hơn trong khi giảm vận động…
“Nguy hiểm nhất là khi trời rét, các bệnh nhân tăng huyết áp lười uống thuốc, hết thuốc nhưng ngại đi khám lại khiến huyết áp không thể kiểm soát”, TS Phương nhấn mạnh.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có trên 200.000 ca bị đột quỵ và tiếp tục tăng khoảng 2% sau mỗi năm, tuy nhiên người dân chưa thực sự có kiến thức về đột quỵ và các biện pháp dự phòng, sơ cứu.
“Chúng tôi luôn mơ ước bệnh nhân đến viện trước 3 giờ kể từ khi khởi phát nhưng cực kỳ khó, chỉ có một số ít ca bệnh ở Hà Nội, còn lại hầu hết đều đến muộn. Nhiều trường hợp nhập viện sau 2-3 ngày, khi đó điều trị rất khó khăn, khả năng hồi phục hạn chế”, TS Phương nói.
Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là não. Nếu bệnh nhân nhồi máu não đến viện trước 4,5 giờ có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết, nếu trước 6 giờ có thể lấy huyết khối. Theo thống kê, nếu dùng tiêu sợi huyết trong 90 phút đầu tiên, cứ 4-5 bệnh nhân sẽ có 1 người hồi phục hoàn toàn.
TS.BS Đào Việt Phương
Với bệnh nhân xuất huyết não, khi đến sớm sẽ được kiểm soát huyết áp, giảm di chứng sau đột quỵ khá nhiều.
Theo TS Phương, có 3 nguyên nhân chính khiến người bệnh đột quỵ đến viện muộn:
Thứ nhất, do bản thân người bệnh, người nhà không nhận thức được những dấu hiệu của đột quỵ, thường nghĩ bị cảm.
Thứ hai, nhiều trường hợp biết bị đột quỵ nhưng cho rằng cần phải nằm một chỗ, không di chuyển nên “cố thủ” ở nhà. Nhiều trường hợp nằm mãi không đỡ mới đến viện, khi đó bác sĩ không thể can thiệp được gì.
Thứ ba, người dân chưa có thói quen gọi 115 để hỗ trợ trước khi đến viện. Nhiều gia đình ở rất xa vẫn đưa tới Hà Nội làm mất thời gian vàng trong khi Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện chương trình tiêu huyết khối tới 27 tỉnh, thành, nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng đã làm được.
Việc gọi cấp cứu sẽ giúp gia đình được tư vấn, hỗ trợ giai đoạn đầu, được hướng dẫn vận chuyển bệnh nhân an toàn nếu xe cấp cứu ở xa.
Để phát hiện sớm đột quỵ, TS Phương lưu ý 5 dấu hiệu:
– Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể).
– Đột ngột mất ngôn ngữ, giọng bị méo hoặc nói khó.
– Thị lực một bên đột ngột bị mất.
– Đau đầu dữ dội.
– Cơ thể mất thăng bằng, chóng mặt.
Nếu ai có bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển người bệnh an toàn tới bệnh viện gần nhất.
Nguồn: vietnamnet