Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới thay thế cho Nghị định 103/2008/NĐ-CP và Nghị định 214/2013/NĐ-CP.
Dự kiến trong tháng 3/2021, Nghị định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới được sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực với nhiều quy định quyền lợi tăng lên còn gánh nặng hồ sơ thủ tục giảm xuống.
Trách nhiệm bồi thường tăng 50%
Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo này là đề xuất tăng mức trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại về người lên đến 50%. Bộ Tài chính dự kiến nâng mức trách nhiệm bảo hiểm từ 100 triệu đồng hiện nay lên 150 triệu đồng cho mỗi trường hợp tử vong do xe cơ giới gây ra.
Hơn nữa, việc chi trả quyền lợi bảo hiểm sẽ không đợi đến khi hoàn thành hồ sơ. Dự kiến, trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có trách nhiệm tạm ứng cho người tham gia bảo hiểm.
Theo đó, với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại: tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong; 50% mức bồi thường bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
Còn những trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại: tạm ứng 30% mức TNBH/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong; 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử Dự thảo Nghị định cho phép DNBH được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định và được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử bên cạnh hình thức truyền thống là Giấy chứng nhận bảo hiểm được in trên giấy theo mẫu quy định của Bộ Tài chính. Đồng thời, mở rộng thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy và tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô thay cho thời hạn 1 năm như hiện nay. |
Quy định mới cũng cho phép các doanh nghiệp được trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới sử dụng cho mục đích: đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách TNDS của chủ xe cơ giới; và chi hỗ trợ nhân đạo.
Dự thảo mới mở rộng phạm vi và tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo cho các trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng mà không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, mức chi là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm 1 người/1 vụ cho các nạn nhân tử vong (tương ứng 45 triệu đồng), 10% mức trách nhiệm bảo hiểm 1 người/1 vụ (tương ứng 15 triệu đồng) cho các nạn nhân thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Phí giữ nguyên, hồ sơ đơn giản hơn
Trong khi quyền lợi tăng lên thì phí bảo hiểm cơ bản sẽ giữ nguyên với mức khá thấp, chỉ có 66.000 đồng/1 năm đối với xe máy.
Bên cạnh đó, dự thảo mới cho phép căn cứ vào lịch sử tai nạn giao thông và năng lực chấp hành rủi ro, DNBH được chủ động xem xét tăng phí bảo hiểm, mức tăng tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm quy định.
Điều này nhằm thực hiện lộ trình tính phí bảo hiểm theo rủi ro cụ thể của từng xe cơ giới, phát huy vai trò công cụ kinh tế của bảo hiểm trong đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đây cũng chính là thông lệ đã được áp dụng với các sản phẩm bảo hiểm ô tô – xe máy tự nguyện tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Việc tính phí cho từng khách hàng dựa trên mức độ rủi ro cụ thể của họ bằng cách dựa trên lịch sử bồi thường, thông tin về lái xe và nhiều yếu tố khác. Cách tính phí bảo hiểm như vậy được đánh giá là công bằng hơn đối với khách hàng vì những khách hàng có xác suất rủi ro thấp hơn sẽ được hưởng mức phí ưu đãi hơn, còn những khách hàng có xác suất rủi ro cao hơn sẽ phải đóng phí cao hơn.
Đặc biệt, để giảm gánh nặng thủ tục hồ sơ – một nỗi lo lớn nhất của khách hàng tham gia bảo hiểm, dự thảo đã có những quy định nhằm giảm nhẹ gánh nặng hồ sơ và minh bạch thủ tục và hưởng quyền lợi bảo hiểm. Theo đó, trong trường hợp các vụ tai nạn không xảy ra tử vong thì DNBH được chủ động phối hợp với bên mua bảo hiểm và các bên liên quan thiết lập hồ sơ mà không phải thu thập tài liệu từ phía cơ quan có thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp vụ tai nạn gây tử vong, hồ sơ bồi thường phải bổ sung bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền, chủ yếu là thu thập từ cơ quan công an. Theo đó, DNBH sẽ chịu trách nhiệm thu thập bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách.
DNBH cũng sẽ chịu trách nhiệm lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất trên cơ sở thống nhất giữa DNBH và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Như vậy, với quy định này, gánh nặng chạy tìm thu thập hồ sơ đối với chủ xe đã giảm đi rất nhiều, các thủ tục liên quan đến cơ quan công an được doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ để thúc đẩy việc hoàn thành hồ sơ trong thời gian sớm nhất.
Vì sao bắt buộc mua bảo hiểm TNDS xe máy thay vì tự nguyện? Bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm do chính phủ quy định nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an sinh xã hội. Trong số này, một sản phẩm có tác động sâu rộng nhất đến hầu như tất cả các hộ gia đình chính là bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (bao gồm xe mô tô và xe hơi) đã được áp dụng tại Việt Nam hơn 10 năm qua. Cụ thể, mọi chủ xe cơ giới bắt buộc phải tham gia loại hình bảo hiểm này, đồng thời những doanh nghiệp được triển khai loại hình bảo hiểm này bắt buộc phải cung cấp dịch vụ bảo hiểm theo quy định và mức phí do Nhà nước quy định. Phí bảo hiểm được Chính phủ xem xét vừa đủ quỹ bồi thường và chi phí triển khai nên rất thấp so với thu nhập của chủ xe cơ giới. Đối với xe môtô quy định mức phí 66.000 đồng/năm, tức chưa đến 200 đồng/ngày. Trong khi DN phải chi trả đến 100 triệu đồng/người bị tử vong và dự kiến tăng lên 150 triệu đồng/người. Sản phẩm này cho phép người bị tai nạn do xe cơ giới gây ra có ngay một khoản tài chính để chi trả tiền cấp cứu, điều trị, thay thế tài sản hư hại hay quyền lợi khi tử vong do công ty bảo hiểm thay mặt chủ xe chi trả. Song song với bảo hiểm bắt buộc nhằm để bảo vệ bên thứ ba, các DNBH cũng triển khai sản phẩm bảo hiểm ô tô – xe máy tự nguyện, bao gồm bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới và bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe và người ngồi trên xe. |
Nguồn: vietnamnet