Không chỉ có Ngọc “Rambo”, nhiều kênh giang hồ mạng khác vẫn ngang nhiên đăng tải các clip cổ súy bạo lực mà không hề bị YouTube xử lý.

Một tuần sau khi bị tạm giam, kênh YouTube với 456.000 người theo dõi (subs) của Ngọc “Rambo” (Lê Thanh Ngọc, trú tại Bắc Giang) đã âm thầm ẩn toàn bộ video, mặc dù ở mục cộng đồng vẫn còn đầy rẫy các bài chia sẻ đến các video của những giang hồ mạng khác. Đáng chú ý, động thái này không đến từ việc bị YouTube kiểm duyệt mà do người quản trị kênh của Ngọc ‘Rambo’ ẩn đi nhằm tránh bị dư luận để mắt tới.

Ngọc “Rambo” và nhiều kênh giang hồ mạng vẫn được YouTube 'bảo kê'
Kênh YouTube của Ngọc “Rambo” đã âm thầm ẩn toàn bộ video

Trước đó, các kênh của giang hồ mạng sinh năm 1989 này ngập tràn những clip bạo lực như cùng đàn em đi đòi nợ, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp theo luật giang hồ. Đáng nói là YouTube không hề có động thái nào ngăn chặn hay gắn mác Age Restricted (18+) vào các clip này mặc dù đã có các quy định rõ ràng về nội dung bạo lực và ngôn ngữ thô tục.

Ngoài Ngọc “Rambo”, các giang hồ mạng được YouTube ‘bảo kê’, nhắm mắt làm ngơ để nội dung bạo lực ngập tràn suốt nhiều năm qua còn có thể kể tới nhóm T. Cá chép (1,19 triệu subs), Dương Minh Tuyền (764.000 subs), D. Ka (363.000 subs), P.V. Anh (199.000 subs)…

Sau khi bị báo chí phản ánh rất nhiều trong thời gian qua, các kênh này đã tạm ngừng đăng tải video mới do bị YouTube tắt kiếm tiền. Tuy nhiên, video của các giang hồ mạng này lại trở thành mỏ vàng để YouTuber khác reup thu hút cả triệu view và tiếp tục lan truyền, cổ súy bạo lực mà không hề bị YouTube sờ gáy.

Không chỉ reup (tức lấy video của người khác đăng lại trên kênh của mình), nhiều kênh YouTube khác còn đầu tư hẳn quay dựng, kịch bản với nội dung nghèo nàn xoay quanh cảnh đánh đấm bạo lực, nhân vật nữ bị lạm dụng, tụ tập uống rượu bia, đánh cờ bạc để thu hút người xem.

Ngọc “Rambo” và nhiều kênh giang hồ mạng vẫn được YouTube 'bảo kê'
Một video giang hồ núp bóng mới nhất trên kênh Đ. TV

Tiêu biểu nhất trong số này có thể kể đến Đ. TV (1,01 triệu subs) với những video bạo lực núp bóng phim hành động tâm lý xã hội thu hút rất nhiều bình luận và lượt xem. Với tổng 280 triệu view, kênh này có thể kiếm được từ 1.600 đến 25.300 USD mỗi tháng, theo SocialBlade. Đấy là chưa kể đến nguồn thu từ việc đặt quảng cáo của nhà tài trợ trực tiếp trong các video.

Tình trạng YouTube chậm chạp trong xử lý các video xấu độc trong khi thả cửa để quảng cáo phản cảm tràn lan đã được nhắc đến rất nhiều thời gian gần đây. Dù vậy, đến nay YouTube vẫn phụ thuộc rất lớn vào kiểm duyệt bằng AI và không thể xử lý dứt điểm tình trạng video ‘rác’ lan truyền trên nền tảng này, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Ngọc "Rambo"videoyoutube

Các tin liên quan đến bài viết