Người đàn ông sinh năm 1987 hóm hỉnh nói rằng mình có một cái tên rất đẹp – Nguyễn Chánh Tín.
“Hello chị!” – Tín trả lời tin nhắn xin phỏng vấn của tôi qua Facebook. Chúng tôi trò chuyện qua lại một vài câu để trao đổi số điện thoại.
Những dòng tin nhắn từ phía Tín được gửi đi rất nhanh, đúng chính tả và dễ thương. Lúc ấy, tôi không biết rằng, trong một căn phòng trọ ở Q.7, TP. HCM cách tôi hơn 1.700km, Tín đang nằm trên giường, dùng tay gõ từng chữ cái trên màn hình treo trước mặt theo một cách vô cùng đặc biệt.
Người đàn ông sinh năm 1987 hóm hỉnh nói rằng mình có một cái tên rất đẹp – Nguyễn Chánh Tín.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, năm 18 tuổi, Tín vào TP.HCM học đại học với tâm thế hừng hực của tuổi trẻ.
Đó không phải là lần đầu tiên Tín xa nhà, nhưng đó là lần đầu tiên anh có một ước mơ rất lớn – ước mơ thay đổi cuộc sống nghèo khó của gia đình.
Vốn là người tự lập, Tín chỉ xin bố mẹ tiền đóng học phí. Các chi phí ăn ở, sinh hoạt anh tự đi làm đủ các loại công việc để lo cho mình, từ phát tờ rơi cho tới phục vụ bàn.
Chánh Tín khi chưa gặp tai nạn. |
Lúc đó, dù học về xây dựng nhưng Tín nhận ra mình thích kinh doanh. Anh quyết định trích số tiền kiếm được từ công việc làm thêm để học các khoá học về kinh doanh, marketing. Thời điểm năm 2009 là lúc anh thực sự có sự bứt phá về thu nhập nhờ nhiều công việc khác nhau.
Tín đi đến một quyết định bước ngoặt: bảo lưu kết quả đại học để cùng gây dựng lại một doanh nghiệp công nghệ đang trên bờ vực phá sản.
Công ty chuyên buôn bán điện thoại, máy tính – những sản phẩm mà vào thời điểm đó nếu ai sở hữu đã được gọi là khá giả. Nhờ sự nhạy bén cộng với thị trường nhiều tiềm năng, công việc của Tín ngày một phát triển.
Lúc ấy, mỗi ngày anh chỉ ngủ 4-5 tiếng, lao vào làm việc như một cái máy. Bạn bè gọi anh là “cỗ máy kiếm tiền”, nhìn đâu cũng ra lợi nhuận. Khi bạn bè còn đang đi thực tập thì anh đã kiếm được thu nhập không nhỏ cho bản thân và tạo thu nhập cho người khác.
Nhưng khi trồng cây đã đến ngày ăn trái thì cuộc đời lại muốn thử thách anh nhiều hơn. Vào một đêm cuối tháng 10/2010, sau khi chở đồng nghiệp về nhà an toàn bằng xe máy, anh gặp tai nạn giao thông. Xe của anh va vào rào chắn ở môt đoạn đường đang thi công.
Lúc mở mắt tỉnh dậy trong bệnh viện, bạn anh đã có mặt bên giường bệnh. Nhưng cả hai đều nghĩ rằng anh chỉ bị xây xước nhẹ.
Cảm giác đầu tiên của Tín khi mở mắt là không cử động được cổ, không có cảm giác gì toàn bộ cơ thể, trừ 2 cánh tay. Rất nhanh sau đó, anh cảm thấy khó thở. Sau khi được thăm khám và chẩn đoán, anh nghe các bác sĩ nói: “Ca này phải chuyển lên Chợ Rẫy”. Lúc ấy, anh mới lờ mờ nhận ra rằng hậu quả của vụ tai nạn không đơn giản như anh nghĩ.
Lên đến Bệnh viện Chợ Rẫy, anh được đặt ống thở. Ban đầu, đau đớn khiến cơ thể anh không hợp tác. Chỉ đến khi nghe bác sĩ nói: “Cố lên, nếu không đặt được ống thở thì Tín không thể thở được”, anh mới nhận ra rằng mình không còn lựa chọn nào khác.
Thời điểm ấy, máy thở còn rất hiếm nên trong suốt 10 ngày đặt ống, người thân phải ngồi cạnh bóp bóng thở cho Tín 24/24. Mỗi người chỉ ngồi bóp bóng chừng 2 tiếng đồng hồ là đã mệt. Người thân, bạn bè đổ vào bệnh viện thay phiên nhau giúp anh duy trì sự sống.
Trong những ngày nguy kịch ấy, Tín đã tắt thở vài lần. Lần căng thẳng nhất, Tín vẫn nhớ, những hình ảnh trong cuộc đời anh từ khi còn nhỏ cứ lần lượt trôi qua trong tiềm thức như những thước phim. Khi “đoạn phim” kết thúc cũng là lúc Tín mở mắt choàng tỉnh. Tín nghe các bác sĩ đứng cạnh giường bệnh nói với nhau: “Qua cơn nguy kịch rồi”.
Phòng Tín nằm có 10 người được đưa vào thì 5 người được đắp mền đưa ra. Anh may mắn nằm trong số 5 người còn lại. Năm ấy, Tín mới 23 tuổi.
Tín và bạn bè trong bệnh viện. |
Hai mươi ngày sau đó, anh vẫn nằm bất động ở Bệnh viện Chợ Rẫy, thức ăn được đưa trực tiếp vào dạ dày, mũi miệng đầy ống và dây. Chỉ duy nhất đôi mắt anh là cử động được.
“Nhìn sang, tôi thấy mẹ đang gục trên giường. Tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây, tại sao lại là tôi và tại sao lại là lúc này”.
“Mẹ bảo tôi: ‘Con ráng lên, vài ngày nữa con sẽ khỏe lại. Công việc, cuộc sống đang đợi con ở phía trước”.
Năm ngày cuối, anh được tháo hết ống dẫn trên mặt, nhưng lúc này anh bị tắt tiếng, không thể nói được. Anh bắt đầu thấy sợ, sợ những ngày đã qua, sợ những ngày phía trước… Nhưng anh không dám khóc vì sợ bố mẹ và những người xung quanh buồn. Anh chỉ lặng lẽ khóc một mình khi đêm xuống.
Sau cơn nguy kịch, Tín được đưa qua Bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM. Lúc này, anh lại nhen nhóm hi vọng mình sẽ khoẻ lại. Nhưng khi nghe bác sĩ nói “bệnh của em không tính bằng ngày tháng mà tính bằng năm”, Tín như chết lặng. “Nó còn đau còn hơn lúc tôi không thở được. Lúc ấy, tôi lại ước gì mình được trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy và đi ra ngõ sau”.
Sau 2 tháng tập luyện không có chuyển biến gì, Tín được thông báo “em hết cơ hội rồi, cho em xuất viện về. Khi nào có thêm chuyển biến thì lại vào tập tiếp”.
Đúng 3 tháng sau tai nạn, Tín được nhìn thấy đường phố, được hoà mình vào dòng người đông đúc. Nhưng bỗng dưng Tín cảm thấy mình không còn thuộc về nó, không còn thuộc về không gian quanh mình.
Cái Tết đầu tiên trên xe lăn, anh ngồi nhìn mọi người đi chúc Tết. Bạn bè đến thăm anh nhiều, nghe mọi người nói chuyện, hẹn hò nhau, anh cười nói đó nhưng thấy trong lòng trống trải.
Khi chỉ còn một mình, anh ước gì mình có thể đứng bật dậy khỏi chiếc xe lăn. Anh cố hết sức để di chuyển cơ thể nhưng bất thành.
Không còn lựa chọn nào khác, anh dần học cách chấp nhận thực tại. Lúc này, anh phải về quê với bố mẹ, không còn thu nhập, lại đang nợ ngân hàng tiền vay sinh viên, tiền chữa bệnh cũng đã cạn kiệt.
Toàn bộ cơ thể của anh không cử động được, trừ hai cánh tay. Hai bàn tay của anh cũng mềm rũ, không làm chủ được các đầu ngón tay. Những ngày đầu, anh không biết mình sẽ làm gì, tương lai sẽ đi về đâu. Anh chỉ biết làm một việc duy nhất: Không bỏ cuộc.
Tận dụng hết những kiến thức đã được học và kinh nghiệm làm việc sau nhiều năm lăn lộn kinh doanh, anh chọn công việc mua bán điện thoại đúng lúc thị trường này đang sôi động.
Anh bắt đầu khi trong tay không có bất cứ đồng vốn nào. “Tôi liên hệ với đầu mối nhờ họ bỏ hàng, rồi chuyển sang cho người bán lẻ. Tôi bắt đầu kiếm được khoản chênh lệch. Cứ thế phát triển dần dần, đến cuối năm 2011, tôi nhờ một cậu em chỉ giúp cách dùng Facebook”.
Ngoài việc kinh doanh điện thoại, anh lên mạng bán đặc sản Bình Định. Công việc dần sáng sủa, anh bắt đầu có thu nhập, trả xong món nợ tiền vay sinh viên.
Không ít lần, bạn bè nói “sao không live stream bán hàng, nhiều người khuyết tật làm vậy được mua hàng nhiều lắm”. Nhưng anh nhất mực giữ nguyên quan điểm, không bán hàng dựa vào lòng thương hại của người khác dành cho mình.
Những người theo dõi Facebook anh thời điểm đó gần như không biết anh là một người khuyết tật. Anh không chia sẻ bất hạnh của mình lên mạng xã hội. Anh để hình đại diện là một bức ảnh chụp nửa người đang ngồi trên ghế xe hơi, được bạn đưa đi chơi sau khi đã bị tai nạn nhưng ngoại hình trông vẫn còn rất “bảnh”. Anh bảo, anh thích bức hình đó.
Nhưng một lần nữa cuộc đời lại thử thách anh. Một đêm năm 2012, nhà anh bị trộm vào lấy đi toàn bộ tài sản, gồm cả tủ điện thoại, máy tính, ví tiền… Tất cả trị giá 50 triệu đồng – có thể là số tiền không lớn với ai đó nhưng là cả gia tài với anh.
Hàng xóm nghe tin nhà anh mất trộm, tự gom góp tiền mua tặng anh cái laptop cũ để kiếm cơm. Anh xúc động và tự nhủ phải bước tiếp để không phụ lòng những người yêu thương mình.
Một lần nữa, anh lại bắt đầu từ vạch xuất phát. Nhưng lần này, anh tìm đến bạn bè để làm chung. Công việc tiến triển tốt đẹp cho đến năm 2014, một lần nữa cuộc đời lại chơi trò sinh tử với anh.
Một đêm tháng 10, anh thấy mệt, lên tiếng gọi mẹ. Lúc ấy khoảng 1h sáng, mẹ anh ra bật điện, thấy máu chảy khắp người anh, ướt hết cả chiếc đệm. Anh không biết chuyện gì xảy ra, chỉ có cảm giác là cái chết đang đến gần. Anh hốt hoảng nói: “Mẹ ơi, chẳng lẽ hôm nay con phải chết. Mẹ gọi taxi nhanh lên, con chưa muốn chết”.
Đến bệnh viện, các bác sĩ xác định anh bị hoại tử vùng mông vì ngồi làm việc quá nhiều. Phần bị hoại tử được cắt bỏ để cứu mạng anh. Anh mất 2 tháng nằm viện điều trị và mất thêm 2 năm nữa để vùng mông lành hẳn. Đó cũng là lúc anh hầu như không ngồi được nữa, mà phải nằm là chủ yếu.
Việc kinh doanh điện thoại bị gián đoạn. Anh lại mày mò tìm công việc khác phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình hơn. Anh chọn việc bán hàng qua mạng, cố gắng tạo nhiều nguồn thu nhập khác nhau để tự nuôi sống mình, trang trải tiền thuốc men.
Đến năm 2015, anh quyết định chuyển sang bán hàng tạp hoá. Ban đầu, mọi người ai cũng phản đối và không tin anh làm được một công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn này. Nhưng nói là làm, anh tìm nhà cung cấp để giao hàng tận nơi cho mình. Sau 1 tuần, anh đã có cửa hàng tạp hoá riêng mang tên Tín Nguyễn.
Cửa hàng của anh hoạt động không giống ai. Khách hàng đến với anh đều phải tự phục vụ – tự chọn món hàng mình cần, sau đó anh báo giá, tính tiền, rồi mọi người tự bỏ tiền vào hộp, tự lấy tiền thừa cho mình. Cứ thế, tính đến nay, tiệm tạp hoá của anh đã tồn tại được 5 năm.
Tiệm tạp hoá kết hợp bán điện thoại di động mang tên Tín Nguyễn. |
Tín trông coi tiệm tạp hoá “có một không hai” của mình. Khách tới mua tự lấy hàng, đặt tiền vào chiếc giỏ cạnh chủ tiệm. |
Mười năm kể từ ngày tai nạn xảy ra, từ một chàng trai đang hừng hực sức sống, Tín bỗng dưng trở thành một người tàn tật. Thân xác anh bị giam trong 4 bức tường, nhưng tinh thần anh đã vượt qua mọi rào cản. Anh kết nối với thế giới bên ngoài bằng mạng xã hội. Bây giờ, với anh, đằng sau mỗi rào cản của cuộc đời là những cách giải quyết thú vị.
Cách đây 4 tháng, Tín đã gói ghém hành lý từ Bình Định lên Sài Gòn sau 10 năm chỉ ngồi một chỗ trong căn nhà nhỏ của mình. Anh nghĩ, đã đến lúc mình cần một sự thay đổi.
Tín đang trên đường thực hiện ước mơ trở thành một diễn giả truyền cảm hứng. Bằng câu chuyện của mình, trước hết anh muốn truyền động lực sống cho những người có hoàn cảnh giống như anh, sau nữa là cho những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Kế hoạch viết một cuốn sách kể về câu chuyện cuộc đời mình cũng sẽ sớm được Tín hoàn thành trong thời gian tới.
“Tôi đã nếm trải đủ thứ mùi vị trong cuộc sống. Đắng cay có, hạnh phúc có, vui buồn có. Tôi học được thêm nhiều bài học trong cuộc sống. Tôi tận dụng triệt để những gì mình đang có và chưa bao giờ đầu hàng số phận”.
Tín chia sẻ, anh chưa thể thành công như ước nguyện của mình, nhưng anh tự hào vì những gì mình đã, đang và sẽ làm.
Chánh Tín trong một buổi chia sẻ câu chuyện của mình đến với mọi người. |
Nguồn: vietnamnet