Các đội ngũ nghiên cứu trên toàn cầu hiện đang dựa vào loài dơi để nghiên cứu về địa điểm và thời gian mà đại dịch tiếp theo có thể bùng phát.

Theo AP, trong một thế giới có tính kết nối cao, sự bùng phát dịch bệnh ở bất kỳ nơi nào có thể gây nguy hiểm cho toàn thế giới, giống như những gì đang xảy ra với dịch Covid-19.

Lý do loài dơi trở thành 'chuột bạch' mới của giới nghiên cứu y tế
Một cá thể dơi phục vụ quá trình nghiên cứu tại Vườn Quốc gia Pedra Branca, Brazil. 

Dơi bị cho là vật chủ hoặc trung gian cho nhiều loại virus gây đại dịch trong thời gian gần đây, như Covid-19, SARS, MERS, hay Ebola… Virus phát tán từ dơi thường gây nguy hiểm hơn cả đối với con người.

Dù có hơn 1.400 loài và phân bố ở khắp các châu lục, dơi đều có điểm chung là có sức đề kháng phi thường, cho phép chúng mang theo các mầm bệnh gây nguy hiểm đối với người và gia súc mà gần như không biểu hiện triệu chứng nào.

Không những thế, dơi còn có khả năng phục hồi thần tốc, với nhiều loài có tuổi thọ kéo dài hơn 30 năm, điều rất bất thường nếu so với các loài động vật có vú cùng kích cỡ.

Các nhà khoa học tin rằng, “cơ chế sửa chữa DNA hiệu quả”, hoặc khả năng tự điều chỉnh, không phản ứng thái quá với các mầm bệnh… là những yếu tố giúp dơi có thể kháng cự với một số loại virus bị cho là nguy hiểm nhất

Lý do loài dơi trở thành 'chuột bạch' mới của giới nghiên cứu y tế
Nhà nghiên cứu thuộc Viện Fiocruz (Brazil) bắt một cá thể dơi tại Vườn Quốc gia Pedra Branca.

“Việc giải mã bí mật hệ thống miễn dịch của dơi có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về thời điểm chúng phát tán virus, cũng như hỗ trợ thêm cho các chiến lược điều trị y tế trong tương lai”, Arinjay Banerjee, nhà nghiên cứu mầm bệnh tại Đại học McMaster (Canada) cho biết.

Theo Cara Brook, nhà nghiên cứu bệnh dịch tại Đại học UC Berkeley (Mỹ), dơi và các động vật mang mầm bệnh khác thực tế ít gây nguy hiểm đối với con người. Tuy nhiên, tình trạng phá hủy và chia cắt môi trường hoang dã đã khiến tỷ lệ tiếp xúc giữa động vật hoang dã và con người trở nên cao hơn. Điều này vô tình khiến loài dơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn hơn.

Giới khoa học cảnh báo rằng, đừng nên xem dơi là kẻ thù, hay tìm cách tiêu diệt và phá hủy nơi ở của chúng. Chiến thuật này không những không hiệu quả trong việc giảm thiểu mầm bệnh, mà còn gây phản tác dụng.

Lý do loài dơi trở thành 'chuột bạch' mới của giới nghiên cứu y tế
Một cá thể dơi được chụp ảnh, lấy mẫu xét nghiệm.

“Mọi người vẫn giữ quan niệm sai lầm về loài dơi, do cấu tạo kỳ lạ, thói quen hoạt động về đêm, cùng sự phác họa của một số nền văn hóa khiến chúng trở nên đáng sợ. Nhưng dơi thực tế không hề hung dữ, và tấn công chúng sẽ không thể giúp kiểm soát dịch bệnh”, Hannah Kim Frank, nhà sinh vật học tại Đại học Tulane (Mỹ), cho biết.

Bên cạnh đó, dơi cũng đóng những vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Chúng ăn các loại côn trùng gây hại như muỗi, thụ phấn và phân tán hạt giống cho nhiều loại cây trồng.

Bà Frank cho rằng, cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh là giảm sự tiếp xúc giữa các loài dơi hoang dã với con người và gia súc. Theo bà, nghiên cứu về thời điểm di cư và sinh sản của loài dơi có thể giúp mọi người xác định nên tránh đến những khu vực nào, hoặc khi nào nên nhốt gia súc của họ trong nhà.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chuột bạchloài dơinghiên cứu

Các tin liên quan đến bài viết