Chính phủ Nhật Bản sẽ dành riêng khoảng 480 triệu USD (hơn 11 ngàn tỉ đồng) để thúc đẩy phát triển dịch vụ viễn thông không dây 6G.

Chậm chân trong 5G, Nhật đón đầu phát triển 6G - Ảnh 1.

Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy nghiên cứu và phát triển mạng 6G nhằm dẫn đầu quốc tế về viễn thông

Theo báo Japan Times, số tiền này nằm trong đợt bổ sung ngân khố năm 2020 lần thứ ba. Các công ty Nhật Bản đang tụt phía sau các đối thủ trong lĩnh vực hạ tầng 5G, vì vậy chính phủ muốn thúc đẩy hợp tác công cộng – tư nhân về nghiên cứu và phát triển mạng 6G để giành lấy vị trí dẫn đầu quốc tế trong lĩnh vực viễn thông.

Cụ thể, Nhật Bản sẽ cấp quỹ 288 triệu USD (hơn 6,6 nghìn tỉ đồng) dùng trong nhiều năm tới để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Chính phủ sẽ ủy thác việc này cho các công ty tư nhân và các đại học, thông qua Viện thông tin và truyền thông quốc gia liên kết với Bộ truyền thông nước này.

Số tiền 192 triệu USD (hơn 4,4 ngàn tỉ đồng) còn lại sẽ dùng để xây dựng các phương tiện thử nghiệm công nghệ dành cho các công ty và các tổ chức khác.

Mạng 6G được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ nhanh hơn mạng 5G từ vài trăm đến vài ngàn lần, cũng như khắc phục được vấn đề tồn đọng của mạng 5G. Mạng 6G sẽ hướng tới khả năng kết nối không gian – khí quyển – mặt đất – dưới biển.

Rất nhiều công nghệ hiện đại như truyền thông lượng tử, thiết bị bay không người lái, trí tuệ nhân tạo… và cả những công nghệ tương lai đang được xem xét kết hợp với mạng 6G.

Trước Nhật Bản, nhiều quốc gia dẫn đầu về công nghệ đã tham gia vào cuộc đua 6G, như Phần Lan đã bắt tay nghiên cứu từ năm 2018, ngoài ra còn có Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhiều hãng công nghệ lớn cũng đã tiến tới phát triển 6G như Huawei, Apple, Google, LG, Samsung, Facebook, Intel, Nokia, Microsoft…

Nhật Bản hi vọng sẽ có được công nghệ lõi cho hệ thống 6G vào năm 2025 và dự kiến ra mắt thế giới tại Triển lãm quốc tế tổ chức ở Osaka trong cùng năm. Nước này đặt mục tiêu đưa công nghệ 6G vào sử dụng thực tế vào khoảng năm 2030.

Ban đầu, Bộ truyền thông Nhật Bản thảo luận với Bộ tài chính về việc tạo nguồn quỹ trị giá khoảng 960 triệu USD (hơn 22 ngàn tỉ đồng). Bộ truyền thông sẽ xem xét bổ sung vào quỹ nghiên cứu và phát triển bằng cách tận dụng phí người dùng thu từ các công ty sản xuất điện thoại di động.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : 5G6Gnhật bảnviễn thông

Các tin liên quan đến bài viết