Ngay sau khi Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế có hiệu lực, các “thương nhân online” đã và đang tìm nhiều chiêu trò nhằm “né” thuế. 

Ngàn chiêu “né” thuế

Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế, kể từ ngày 5/12, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lí thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp, đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lí thuế theo qui định của pháp luật về thuế.

Quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế việc kê khai không đủ, trốn thuế của những người có nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời, đảm bảo sự bình đẳng giữa kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.

Thương nhân online 'tung chiêu' né thuế
Nghị định 126 được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế việc kê khai không đủ, trốn thuế của những người có nghĩa vụ nộp thuế. 

Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị định 126/2020 được ban hành, thì cách thức “gian lận” thuế của các “thương nhân online” có phần tinh vi hơn. Cụ thể, nhiều tài khoản facebook trước đây là “trùm” kinh doanh online, công khai giá bán và số tài khoản nhận tiền, mỗi bài đăng hay livestream bán hàng hút cả chục nghìn lượt xem và đơn đặt hàng, thì đến nay, không còn phô trương doanh số, các thông tin có phần kín đáo hơn trước, không cập nhật công khai mà thay bằng nhân viên bán hàng hỗ trợ trực tiếp qua tin nhắn Facebook, Zalo, điện thoại… Thậm chí, sau khi kết thúc livestream, đoạn video đó cũng bị xóa luôn trên dòng thời gian của facebook, fanpage đó để tránh sự chú ý của cơ quan quản lý thuế.

Bên cạnh đó, nhiều chủ shop online cũng chuyển sang ưu tiên thu tiền mặt hoặc phân bổ tài khoản nhận tiền cho nhiều cá nhân khác nhau trong gia đình, tránh trường hợp dồn cả vào 1 tài khoản để đỡ bị cơ quan thuế để ý.

“Cũng chưa rõ là ngân hàng liên thông với cơ quan thuế thì có bị thu thuế kinh doanh online hay không, nhưng hiện mình ưu tiên ship COD (giao hàng trực tiếp và có các shipper thu hộ tiền), khách hàng yên tâm nhận hàng rồi mới thanh toán mà cũng đỡ lo bị thu thuế”, chị N.Q.A., bán hàng mỹ phẩm online bật mí.

Không chỉ vậy, mới đây, các “thương nhân online” đồng loạt đăng thông báo về việc thay đổi nội dung chuyển khoản khi mua hàng. Cụ thể, người bán yêu cầu người mua khi chuyển khoản tiền hàng không cần ghi thanh toán tiền hàng gì, không nhắc đến hàng hóa gì, chỉ cần ghi “tên Facebook” hoặc “tên Facebook tặng/cho/chúc mừng em”…

Thương nhân online 'tung chiêu' né thuế
Gần đây, các “thương nhân online” đồng loạt đăng thông báo về việc thay đổi nội dung chuyển khoản khi mua hàng.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính-thuế cho biết, ở nước ngoài, việc tặng/cho tài sản bị đánh thuế nhưng ở Việt Nam, hiện việc tặng/cho này không bị đánh thuế, do đó, việc thay đổi nội dung chuyển khoản giữa người mua hàng và người bán hàng có thể giúp người bán hàng trốn thuế. Tuy nhiên, PGS. TS. Thịnh lưu ý, việc thay đổi nội dung chuyển khoản này sẽ khiến người mua hàng bị thiệt thòi nếu có tranh chấp hay có vấn đề liên quan đến luật pháp thì sẽ không được bảo vệ.

“Lệnh chuyển tiền cũng là một trong những chứng cứ khi mua hàng. Theo quy định, nếu giao hàng không đúng phẩm chất, không đảm bảo chất lượng hay trong quá trình giao hàng có vấn đề trục trặc, rủi ro thì người mua hàng sẽ được luật pháp bảo vệ, nhưng nếu người mua hàng ghi là tặng/cho thì sẽ không có những quyền đó. Thứ 2, nếu người bán gian lận, họ không giao hàng, vì lệnh chuyển tiền là tặng/cho tiền thì người mua hàng cũng không có chứng cứ gì để kiện họ”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Theo ông Thịnh, việc giúp người bán hàng lách luật, trốn thuế sẽ gây ra rất nhiều những hệ lụy phức tạp đi kèm. Do đó, về lâu dài, cải cách thuế cần có sự thay đổi, trong đó, kể cả phần tặng/cho tiền/tài sản cũng cần đánh thuế để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách để trốn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

“Người mua hàng cần hiểu rõ để tự bảo vệ quyền lợi của mình, nếu chuyển tiền mua hàng mà ghi là tặng/cho thì đồng nghĩa với việc mình bỏ tiền ra nhưng lại tự từ chối tất cả những quyền lợi chính đáng mà người mua hàng được hưởng”, ông Thịnh khuyến cáo.

Mọi hành vi trốn thuế đều sẽ bị phát hiện

Hiện tại theo quy định, các doanh nghiệp thương mại điện tử, cá nhân bán hàng trên Facebook, Zalo, Viber… nếu doanh thu bán hàng trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, một nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mọi trường hợp, nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế sẽ tìm ra dựa trên các “dấu vết” thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử.

“Mọi trường hợp, nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác, một ngày nào đó, cơ quan thuế sẽ tìm ra. Nếu một cá nhân đã thanh toán, hồ sơ thanh toán vẫn lưu dấu vết, cơ quan thuế sẽ có biện pháp khác nhau để thu và sẽ thu được. Nếu anh là người giao dịch mạnh mẽ và giao dịch nhiều trên môi trường thương mại điện tử, anh không thể nào mãi ẩn danh được, rồi chúng tôi sẽ tìm ra”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chiêu tròthương nhân onlinetrốn thuế

Các tin liên quan đến bài viết