Phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc góp ý văn bản pháp luật, để đến khi văn bản ban hành buộc phải thực thi, doanh nghiệp mới ngỡ ngàng khi quy định ấy có thể khiến họ mất thêm tiền tỷ.
Những câu chuyện quy định vừa mới ban hành đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng DN không hề ít. Điều lạ là không ít quy định khi đưa ra lấy ý kiến nhận được rất ít phản hồi, phản hồi không đầy đủ và để cơ quan xây dựng phải xem xét lại trước khi ban hành. Chỉ đến khi thực thi, động chạm đến quyền lợi trực tiếp thì DN mới giật mình lên tiếng. Trước thực tế này, một chuyên gia đã nhận xét, đây là 1 điểm yếu của DN Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Chỉ lo việc trước mắt, giỏi chạy dự án riêng mà chưa chú ý đến quyền lợi chung thông qua việc góp ý, vận động xây dựng chính sách.
Những ngày vừa qua, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội xôn xao trước quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 126/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế với nhiều quy định sửa đổi so với trước. Lúc này, doanh nghiệp mới “hốt hoảng” khi đứng trước nguy cơ phải tạm nộp tiền thuế thu nhập ngay khi chưa hết năm, nếu nộp thiếu so với quy định sẽ bị tính tiền chậm nộp.
Những chính sách thuế luôn có tác động đến hàng vạn doanh nghiệp, người dân. |
Điều đáng chú ý là, Nghị định này được ban hành từ ngày 19/10/2010 và có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.
Trong thời gian lấy ý kiến dự thảo Nghị định này, rất ít ý kiến góp ý liên quan đến quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp kể trên. Trong khi đó, dự thảo này được lấy ý kiến từ khoảng giữa năm 2019.
Ngày 14/1/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng có văn bản gửi Tổng cục Thuế góp ý cho dự thảo kể trên, song cũng không đề cập gì đến quy định tạm nộp thuế này. Chỉ có Hội Kế toán hành nghề Việt Nam là đi sâu chi tiết góp ý về nội dung tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đó, Nghị định 20/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết cũng đã gây nhiều phản ứng trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn bởi quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Điểm chung là doanh nghiệp chỉ lên tiếng khi Nghị định này đã được ban hành và có hiệu lực thi hành, còn suốt thời gian ở dạng dự thảo, rất ít tiếng nói nào đề cập đến nội dung này.
Vẫn biết rằng, hình thức lấy ý kiến góp ý văn bản hiện nay vẫn còn đơn điệu và chưa đa dạng. Song không thể không nhắc đến trách nhiệm của doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn. Vòng xoáy sản xuất- kinh doanh – bán hàng đã lấy đi của nhiều doanh nghiệp thời gian và công sức, sự quan tâm dành cho việc góp ý chính sách lại khá hạn chế.
Bộ phận pháp chế ở nhiều doanh nghiệp lớn chưa được giao đủ chức năng và vai trò trong việc “soi” kỹ từng văn bản pháp luật trước khi được ban hành. Trong khi ở các doanh nghiệp nước ngoài, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các đơn vị kiểm toán lớn, các văn phòng luật sư uy tín đã giúp họ đáng kể trong việc phát hiện những chính sách liên quan sát sườn đến hoạt động của doanh nghiệp, để có những phản biện kịp thời qua nhiều kênh khác nhau.
VCCI là đơn vị thường có nhiều hoạt động lấy ý kiến góp ý chính sách. |
Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ rằng: Ban đầu chúng tôi cũng quan tâm đến các chính sách và góp ý, nhưng thấy rằng hầu hết không được tiếp thu nên sau đó không muốn ý kiến nữa. Thậm chí có trường hợp chúng tôi góp ý nhưng đến dự thảo sau vẫn thế, hoặc có sửa lại sửa sang 1 hướng khác vẫn theo hàm ý có bất lợi cho DN.
Tâm lý chán chường khi góp ý nhiều không được tiếp thu là phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Song cũng không nên vì thế mà bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình. Bởi để sửa một quy định bất hợp lý sau khi đã ban hành không phải là điều dễ dàng, mất rất nhiều thời gian và phải tập hợp được nhiều ý kiến lên tiếng. Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ tại Nghị định 20 có hiệu lực từ 1/7/2017. Nhưng phải 3 năm sau, Nghị định 68 sửa đổi điều này mới được ban hành (ngày 24/6/2020), song cũng chưa thỏa mãn mong muốn của doanh nghiệp. Sau đó Nghị định 126/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 (thay thế Nghị định 20) mới ra đời.
Ngay như quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón tại Luật Thuế số 71 cũng là minh chứng. Quy định này có hiệu lực từ 2015, ngay sau đó doanh nghiệp phát hiện bất cập của việc xếp phân bón vào mặt hàng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp, hiệp hội đồng loạt kiến nghị, thế nhưng cũng phải mất 5 năm, đến tháng 10 vừa qua Chính phủ mới trình ra Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định này, đưa phân bón vào diện mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng 5% (để được hoàn thuế nguyên vật liệu đầu vào).
Một số dẫn chứng nêu trên để thấy, quá trình hoạt động của doanh nghiệp không thể tách rời việc góp ý chính sách. Có thể góp ý chưa/chậm được tiếp thu, thậm chí không được tiếp thu, nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp cũng sẽ khiến không ít cơ quan soạn thảo phải “chùn tay” khi muốn cài cắm “quyền anh quyền tôi” trong các điều khoản. Những hiệp hội đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc góp ý chính sách, không chỉ các chính sách chuyên ngành liên quan đến hiệp hội.
Nếu không coi đây là việc “sống còn” với doanh nghiệp, thì nhiều doanh nghiệp sẽ lại tiếp tục “hốt hoảng”, ngỡ ngàng” với các quy định có thể đảo lộn hoạt động kinh doanh, làm doanh thu suy giảm, thậm chí đóng cửa.
Nguồn: vietnamnet