Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 11 đã tăng 0,87% so với tháng trước và tăng 32,04% so với đầu năm với nguyên nhân chính do ảnh hưởng từ biến động giá vàng thế giới.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và giá USD tháng 11/2020 với diễn biến trái chiều trong các chỉ số.

Cơ quan thống kê cho biết giá vàng trong nước tháng 11 ghi nhận biến động trái chiều với giá thế giới. Trong đó, giá vàng thế giới tăng, giảm liên tục do ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và trước các thông tin tích cực về vaccine ngừa Covid-19 của các hãng dược Pfizer và Moderna. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/11 đã giảm 1,27% so với tháng 10.

Chỉ số giá vàng tăng hơn 32% từ đầu năm

Chỉ số giá vàng trong nước tăng hơn 32% so với đầu năm. 

Trong nước, khi giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh vàng thường đặt ra mức giá mua vào và bán ra chênh lệch cao do lo ngại về rủi ro. Điều này khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới sau khi quy đổi (cao trên 3 triệu đồng/lượng).

Đến cuối tháng này, chỉ số giá vàng đã tăng 0,87% so với tháng 10 và tăng 32,04% so với đầu năm. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, chỉ số giá vàng hiện tại cũng tăng 31,57%.

Trên thị trường ngoại tệ, đồng USD thế giới giảm nhẹ khi số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ gia tăng. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu nên chỉ số giá USD tháng 11 giảm 0,05% so với tháng trước nhưng tăng 0,14% so với đầu năm.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Tổng cục Thống kê cho biết CPI tháng 11 đã giảm 0,01% so với tháng trước nhưng tăng 0,08% so với đầu năm. Trong đó, nguyên nhân giảm tháng 11 chủ yếu đến từ giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá điện, nước sinh hoạt giảm do nhu cầu tiêu dùng không cao trong mùa mưa.

Cụ thể, trong mức giảm 0,01% của CPI tháng 11, có 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm, bao gồm, nhóm giao thông giảm nhiều nhất (-0,47%) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu khiến chỉ số giá mặt hàng này giảm 1,32% (tác động làm CPI chung giảm 0,05%).

Bên cạnh đó, giá ôtô mới giảm 0,08%, ôtô đã qua sử dụng giảm 0,45% do các đại lý đưa ra nhiều gói ưu đãi để kích thích sức mua của người tiêu dùng. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17% do giá điện thoại di động giảm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06% do các công ty du lịch đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa.

Chỉ số giá vàng tăng hơn 32% từ đầu năm

Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm may mặc, mũ nón và giày dép (0,14%), do nhu cầu mua sắm khi thời tiết chuyển mùa; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (0,07%), do giá gas tăng 5,78%, giá nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở tăng 0,17% và giá dầu hỏa tăng 1,37%, mặt khác, do ảnh hưởng của mưa lũ nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt giảm làm chỉ số giá điện giảm 2,27%; giá nước sinh hoạt giảm 0,5%.

Ngoài ra, một số nhóm ngành ghi nhận chỉ số giá tăng như đồ uống và thuốc lá (0,06%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (0,05%); thiết bị và đồ dùng gia đình (0,03%) do nhu cầu sử dụng các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông tăng khi thời tiết chuyển lạnh; thuốc và dịch vụ y tế (0,01%); hàng hóa, dịch vụ khác (0,12%). Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.

Tính chung, CPI tháng 11 tăng 0,08% so với đầu năm và cao hơn 1,48% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 11 tháng tăng 3,51% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 11 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 2,43% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chỉ sốCPIgiá vàngUSD

Các tin liên quan đến bài viết