40 năm qua, Trường ĐH Y Hà Nội đã đào tạo được 1.440 tiến sỹ. Nhiều cựu nghiên cứu sinh đã và đang là lãnh đạo các bệnh viện, viện nghiên cứu, giữ các trọng trách quản lý trong ngành Y.
Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 40 năm đào tạo tiến sĩ diễn ra chiều qua (24/11), GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định Trường ĐH Y Hà Nội là cơ sở đào tạo tiến sĩ đầu tiên của ngành Y trên cả nước. Trong đó, cố GS.TS Đào Ngọc Phong chính là người bảo vệ thành công Phó Tiến sĩ khoa học Y – Dược vào năm 1980.
Cũng kể từ đó đến nay, trường đã đào tạo ra nhiều Tiến sĩ Y học góp phần quan trọng trong việc bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế
Từng là nghiên cứu sinh và cũng là Phó Tiến sĩ lâm sàng đầu tiên của Trường ĐH Y Hà Nội, GS.TS Trần Ngọc Ân, Nguyên Giám đốc Bệnh viên E nhớ lại: “Đó là quãng thời gian khó khăn vì đất nước vừa thống nhất nhưng lại vướng vào chiến tranh biên giới, tôi thường xuyên phải thắp đèn dầu, viết luận văn vào ban đêm. Sau khi viết xong lại tiếp tục phải sửa chữa, dán bổ sung các ảnh bằng cơm”.
Mặc dù những ngày tháng đó còn nhiều khó khăn, nhưng theo GS Ân, nghiên cứu sinh ngày ấy luôn nỗ lực khắc phục mọi thiếu thốn của giai đoạn đất nước vừa thống nhất như điều kiện làm việc, tài liệu tham khảo nghèo nàn.
Nhiều người đã trở thành chuyên gia giỏi, đầu ngành của ngành y cả nước, là lãnh đạo quản lý như Nguyên Thứ trưởng Trần Chí Liêm, Nguyễn Thị Xuyên, Lê Quang Cường; Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến; Thứ trưởng Trần Văn Thuấn,…
Nhiều cựu nghiên cứu sinh đang giữ các trọng trách trong ngành Y.
Là cựu nghiên cứu sinh khóa 21, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao những kết quả mà Trường ĐH Y Hà Nội đã làm được. Tuy nhiên, ông cho rằng, tới đây, việc hội nhập quốc tế trong đào tạo ngành y nói chung và đào tạo tiến sỹ nói riêng còn nhiều thách thức, đòi hỏi trường cần có những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Thứ trưởng, để việc đào tạo nghiên cứu sinh đạt hiệu quả cao hơn thì việc tuyển chọn các ứng viên nghiên cứu sinh phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo quy định nhưng cũng có tính chất hướng dẫn, đào tạo từ trước khi thi nghiên cứu sinh, giúp nghiên cứu sinh có lộ trình hoàn thiện hồ sơ chu đáo nhất với các tiêu chí cứng như trình độ ngoại ngữ, bài báo quốc tế.
“Việc đào tạo được một tiến sĩ kéo dài trong nhiều năm và rất công phu. Chính vì vậy, trường cần đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh trau dồi kỹ năng sư phạm để có thể truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho những đồng nghiệp xung quanh, đồng thời có định hướng mới nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp sẽ tham gia giảng dạy ở các trường khối ngành sức khỏe trong cả nước”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Nguồn: vietnamnet