Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh không thể hiện ngay, mà có thể đến 20 năm sau. Để kiểm soát vấn đề này ngành dân số cần có chiến lược lâu dài để khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên.Trước mắt các địa phương cần thực hiện tốt Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.

NHIỀU HỆ LỤY

Chị Đ.T.U, giáo viên của một trường ở thị xã Phước Long đã chấp nhận bị kỷ luật để sinh “quý tử nối dõi tông đường” cho gia đình. Dĩ nhiên để sinh được con trai, chị U đã trải qua không ít khó khăn và tốn kém tiền bạc. Chị cho biết: “Lúc đầu, tôi âm thầm đi tìm hiểu nơi nào có kinh nghiệm lựa chọn giới tính thai nhi, rồi về tuân thủ theo chế độ ăn uống, sinh hoạt. Suốt thời gian đó, đầu óc tôi chỉ nghĩ làm sao để có con trai mà không thể làm được việc gì khác. Vì nếu lần này không sinh được con trai, phải sinh tiếp thì tôi có nguy cơ nghỉ việc, kinh tế suy giảm mà gia đình vẫn không yên ổn”. Do không được phép lựa chọn giới tính thai nhi cho nên mọi việc liên quan đến “hành trình đi tìm quý tử” của chị U đều phải làm lén lút. “Lúc mới có thai tôi luôn thấy người mệt mỏi nhưng không dám thể hiện. Đến khi thai to, không giấu được nữa thì chỉ dám nói “vỡ kế hoạch” – chị U kể. Kết quả như ý muốn chị U vui một, gia đình vui mười. Trong thực tế có người may mắn như chị U, nhưng cũng không ít người không được như ý. Và sau mỗi lần “trật”, dù lựa chọn cách nào đi chăng nữa thì những tổn thất về sức khỏe, tinh thần, tiền bạc… đều không tránh khỏi, mà phụ nữ vẫn là người gánh chịu nhiều nhất.

Nhân viên Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không cải thiện được vị thế người phụ nữ, thậm chí còn làm tăng sự bất bình đẳng giới bởi có thể nhiều phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao và gia tăng các tệ nạn xã hội. Dưới góc độ xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những khó khăn, thách thức mới đối với công tác dân số như phải tốn thêm nhân lực, vật lực cho việc nghiên cứu, điều tra về tình hình này, đồng thời tăng kinh phí để giải quyết vấn đề đó…

KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

Một trong những mục tiêu của Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 là phải giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 nam/100 nữ sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Theo đó, phải thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, đó là: Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và hợp tác quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, tổ chức quốc tế khi thực hiện đề án.

Hiện nay, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025” trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đề án đã đề ra lộ trình, tiến độ cho 10 hoạt động cụ thể theo từng năm với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Ông Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng, để triển khai hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ của đề án đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong thực hiện các quy định của pháp luật đối với việc lựa chọn giới tính thai nhi. Những năm gần đây, do thời tiết diễn biến bất thường nên năng suất, chất lượng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực giảm mạnh, giá mủ cao su phục hồi chậm… đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách của địa phương nên tỉnh khó có thể cân đối, bố trí ngân sách hằng năm để thực hiện đề án. Do vậy, nếu không có sự quyết tâm của chính quyền, đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện thì đề án khó có thể thành công.

Điều 1, Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 nêu rõ: Từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật quy định về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và các nội dung liên quan; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng quy định chi tiết, cụ thể hơn các hành vi vi phạm, tăng khả năng ngăn ngừa và phát hiện vi phạm, tăng mức xử phạt, nâng cao và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính thai nhi.

Nguồn Báo Bình Phươc

Từ khóa : 24h Bình Phướcchăm sóc trẻ sơ sinhmất cân bằng giới tính

Các tin liên quan đến bài viết