HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 127 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 – 19-5-2017)
Dựa trên nghị quyết của UNESCO cũng như thực tế ấn tượng sâu đậm về Bác Hồ, năm 2009 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xây dựng Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” và đã được Ban Bí thư thông qua. Từ đó đến nay, nhiều tượng đài, khu tưởng niệm, bảo tàng, công viên, đường phố… mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đời ở nhiều quốc gia.
Từ năm 2009 đến nay, Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” được triển khai tại nhiều châu lục trên thế giới. Thông qua đề án, chúng ta đã phát hiện, sưu tầm và đưa về nước một số hiện vật, tư liệu quý liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hoạt động của đề án đã góp phần tiếp tục làm sống động hình ảnh và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, đề án đã tạo được những tác động tích cực, không chỉ duy trì tốt việc lưu giữ và bảo vệ những dấu tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn đạt những kết quả quan trọng trong việc sưu tầm tư liệu, di tích, bảo tồn, tôn tạo và mở rộng, phát triển, làm mới một số khu di tích, đài tưởng niệm Bác Hồ.
Việc tôn vinh Bác Hồ chính là tôn vinh con người Việt Nam tiêu biểu nhất mà các giá trị tinh hoa của dân tộc đã kết tinh ở Người. Thông qua hình ảnh “Anh hùng giải phóng dân tộc” Hồ Chí Minh, thế giới sẽ hiểu rõ hơn truyền thống yêu nước và ý chí vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Thông qua hình ảnh “Người cha của các lực lượng vũ trang Việt Nam”, thế giới hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng dựng nước, giữ nước và nghệ thuật quân sự của nhân dân Việt Nam. Thông qua hình ảnh “Nhà ngoại giao Hồ Chí Minh”, thế giới sẽ biết rõ hơn truyền thống nhân văn, bản chất hòa hiếu, tính chính nghĩa của các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng như tinh thần rộng mở, luôn mong muốn và sẵn sàng làm bạn với nhân dân các nước của dân tộc Việt Nam. Thông qua việc đề cao “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, thế giới nhận thấy rõ hơn nữa về những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tiến trình phát triển của nhân loại. Đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về công cuộc đổi mới hiện nay và con đường mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn, cũng như chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Từ khi triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” đến nay, tượng đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng tại khoảng 20 quốc gia thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi; trong đó có các nước như Chile, Cộng hòa Dominicana, Mexico, Argentina, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào và Thái Lan. Các khu di tích, tưởng niệm, bảo tàng, công viên mang tên Bác Hồ được xây dựng tại những địa bàn nơi Bác đã từng sống và hoạt động, chủ yếu ở Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Pháp. Tại Ý hiện có đến 21 con đường mang tên Hồ Chí Minh tại nhiều thành phố trên khắp đất nước. Tại Pháp có 7 đường, phố mang tên Hồ Chí Minh. Thủ đô các nước như Cu Ba, Mozambique, Angola, Algeria, Nga cũng có các con đường mang tên Bác. Quảng trường Hồ Chí Minh – một cái tên rất đỗi quen thuộc với người dân Nga. Đến đây, du khách sẽ ấn tượng với bức tượng đài của Bác được dựng ngay giữa trung tâm của quảng trường rộng lớn. Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khắc nổi trên tấm đồng hình tròn khổng lồ, bên cạnh là những chàng trai đang trong tư thế chuẩn bị đứng lên và cây tre – hình ảnh thân thuộc đối với tất cả người dân Việt Nam, một nét đặc trưng và tiêu biểu cho lịch sử cũng như nền văn hóa của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người đã hết lòng xây dựng sự đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các nước bạn sẽ góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Người, về truyền thống nhân văn, bản chất hòa hiếu, tính chính nghĩa của các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng như tinh thần rộng mở, luôn mong muốn và sẵn sàng làm bạn với nhân dân các nước của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, trên thực tế có những nơi Bác Hồ chưa từng đặt chân đến nhưng tư tưởng và ảnh hưởng của Bác đã chinh phục trái tim của người dân ở các nước này khiến họ cũng dựng tượng đài Bác. Cụ thể, tại Nhật tuy rằng trong lịch sử Bác Hồ chưa bao giờ đến đây, nhưng người Nhật vẫn ủng hộ dự án này và xem đây là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị Nhật – Việt trong sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược. Còn ở Panama, một trong những nơi chưa thể khẳng định Bác đã đến hay chưa, nhưng chính phủ nước này cũng đã đề nghị Việt Nam cho phép đặt tượng Bác tại nơi họ đặt tượng của các danh nhân thế giới như Mahatma Gandhi của Ấn Độ, hoặc Khổng Tử của Trung Quốc. Vì thế, việc thực hiện đề án ở những nơi này làm cho giá trị tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nổi bật và đáng quý hơn. Các khu di tích, tưởng niệm Bác là những nơi các đoàn cấp cao của Việt Nam và nước chủ nhà cũng như kiều bào, khách từ trong nước thường xuyên đến thăm viếng.
Ngoài số lượng di tích, tượng đài đã được xây dựng tại 20 quốc gia, trong thời gian thực hiện đề án, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài cũng đã tiến hành trùng tu tượng đài Bác Hồ, nâng cấp khu tượng đài và khánh thành công trình tu bổ ở Madagascar, Mexico và Hungary. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn xây dựng khuôn viên và đặt tượng Bác tại Ulianovsk, Liên bang Nga. Tại Đức, Đại sứ quán Việt Nam ủng hộ đề xuất của nhóm kiều bào sở hữu Công ty Thăng Long là thuê hoặc mua lại khu đất vốn là trường của lưu học sinh Việt Nam và được Bác Hồ đến thăm vào năm 1957 để xây dựng thành nơi tưởng niệm Bác.
2017 là năm đặc biệt quan trọng đối với ngoại giao của Việt Nam, kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Áo – Việt. Nhân dịp này, Việt Nam mong muốn tặng thủ đô Vienna của Áo bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự định đặt tại công viên Donau. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân 2 nước. Tuy nhiên, việc xây dựng tượng đài Bác Hồ ở công viên Donau mới được xây dựng bản thảo thì những kẻ phản động ở nước ngoài đã vội vã đưa ra những phân tích đi ngược lại những gì tốt đẹp mà lãnh đạo, nhân dân 2 nước mong muốn.
Nguồn Báo Bình Phươc