Đồng loạt các công ty viễn thông Nhật Bản gửi kiến nghị khi họ cho rằng, thương vụ thâu tóm toàn bộ nhà mạng NTT Docomo sẽ tạo ra một thế lực thống trị thị trường, ngăn cản cạnh tranh công bằng.
28 công ty viễn thông Nhật Bản vừa gửi đơn kiến nghị lên Bộ Nội vụ & Truyền thông nước này, phản đối kế hoạch thâu tóm toàn bộ nhà mạng NTT Docomo, trị giá gần 40 tỷ USD. Trước đó từ tháng 9, Tập đoàn viễn thông NTT thông báo họ đang cân nhắc thu hồi toàn bộ quyền kiểm soát nhà mạng di động lớn nhất Nhật Bản.
NTT là tập đoàn nhà nước, hiện đang giữ khoảng 66% cổ phần NTT Docomo. Dự kiến NTT sẽ mua lại 34% cổ phần của Docomo, với mức giá cao hơn 30% so với giá cổ phiếu trên thị trường, tạo nên thương vụ kỷ lục, sau đó rút nhà mạng này khỏi sàn chứng khoán.
NTT khẳng định thương vụ này sẽ nâng cao tính cạnh tranh và khả năng tăng trưởng. Dù vậy, các công ty viễn thông Nhật Bản, bao gồm đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Docomo là SoftBank và KDDI, đang phản đối quyết liệt.
Họ cho rằng, thương vụ thâu tóm Docomo sẽ tạo ra một thế lực thống trị thị trường. “Việc này sẽ ngăn cản cạnh tranh công bằng trên thị trường viễn thông, và lợi ích của người dùng nhờ vào sự cạnh tranh có thể bị mất đi”, đơn kiến nghị nêu rõ.
Các nhà mạng cũng kêu gọi bộ trưởng “thiết lập các biện pháp để bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng”, đồng thời hướng dẫn và giám sát việc tuân thủ thực hiện.
28 công ty viễn thông Nhật Bản vừa gửi đơn kiến nghị, phản đối kế hoạch thâu tóm toàn bộ nhà mạng NTT Docomo. |
Vụ thâu tóm diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Yoshihide Suga khởi động lại nỗ lực thúc đẩy cắt giảm cước viễn thông. Với việc kiểm soát hoàn toàn Docomo, NTT có thể đẩy giá xuống nhanh chóng, khiến các đối thủ cạnh tranh phải làm theo.
Dù vậy, hiện nay những người đứng đầu của cả NTT và NTT Docomo đều phủ nhận áp lực giảm giá cước ẩn chứa đằng sau thỏa thuận.
Lời đề nghị được đưa ra vào tháng 9 và vẫn để ngỏ cho đến ngày 16/11. Nếu đúng theo kế hoạch, thương vụ sẽ được hoàn tất vào cuối năm tài chính tháng 3 năm sau.
Nguồn: vietnamnet