Sự siết chặt kiểm soát của Trung Quốc có thể khiến giá trị Ant – con cưng tỷ phú Jack Ma – giảm 140 tỷ USD. Còn các ngân hàng Trung Quốc được chính phủ rót vốn hưởng lợi lớn nhất.

Theo Bloomberg, China Merchants Bank và các ngân hàng Trung Quốc được chính phủ rót vốn khác hưởng lợi nhiều nhất sau những thay đổi pháp lý đã thổi bay thương vụ IPO hàng chục tỷ USD của Ant Group. Giới chức trách Bắc Kinh đang tìm cách san bằng sân chơi giữa những gã khổng lồ fintech như Ant và các ngân hàng truyền thống.

Trong tháng 11, cổ phiếu Merchants Bank, “vua ngân hàng bán lẻ” ở Trung Quốc, đã tăng 18% trên sàn Hong Kong. Đây là 7 ngày tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Hôm 10/11, ngân hàng chứng kiến mức tăng kỷ lục 3,6%.

Không chỉ Merchants Bank, các ngân hàng khác của Trung Quốc như Agricultural Bank of China cũng hưởng lợi. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của tập đoàn Alibaba, cổ đông lớn thứ ba của Ant, sụt 4%.

Ai hưởng lợi khi Trung Quốc kìm hãm đế chế của Jack Ma?

Những thay đổi pháp lý khiến Ant của tỷ phú Jack Ma phải dừng đợt IPO trị giá 35 tỷ USD. 

Cuộc đua khốc liệt

Định giá của các nhà băng Trung Quốc đã bật tăng từ mức thấp kỷ lục sau khi giới chức trách Trung Quốc đề xuất những quy định mới, nhằm hạn chế sự tăng trưởng thần tốc của 200 công ty tín dụng vi mô (micro-loan) trên toàn quốc. Các thay đổi này khiến Ant buộc phải hoãn đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 35 tỷ USD.

Ant và những gã khổng lồ fintech như Tencent có lợi thế nhờ sử dụng dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Các công ty này đã giành giật thị phần từ ngân hàng thương mại trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng bằng cách mang đến khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn cho những người dùng trẻ tuổi. Nhiều người trong số họ có thu nhập thấp.

“Những quy định mới có lợi cho ngân hàng hơn. Dường như các quan chức đang muốn giảm tốc dòng chảy thu nhập ra khỏi hệ thống ngân hàng”, ông Sanjay Jain, giám đốc tài chính tại hãng nghiên cứu Aletheia Capital Ltd. (Singapore), bình luận.

Merchants Bank (có trụ sở tại trung tâm công nghệ phía nam của Thâm Quyến) là một trong những nhà phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Trung Quốc với 155 triệu khách hàng tiêu dùng vào cuối tháng 9.

Ngân hàng thu khoảng 57% thu nhập hoạt động từ tài chính bán lẻ trong năm ngoái, một trong những mức cao nhất ở Trung Quốc.

Ai hưởng lợi khi Trung Quốc kìm hãm đế chế của Jack Ma?
Các công ty tài chính tranh giành khách hàng của ngân hàng từ mảng thanh toán, tín dụng đến quản lý tài sản.

Tuy nhiên, Merchants Bank và nhiều ngân hàng được nhà nước rót vốn khác như Industrial & Commercial Bank of China đã bị đẩy vào cuộc chiến sống còn. Các công ty tài chính như Ant giành giật khách hàng từ mảng thanh toán, tín dụng đến quản lý tài sản. Ant cũng tận dụng nền tảng kỹ thuật số để thu hút người dùng mới.

Ant đã chiến thắng trên nhiều “mặt trận”. Có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, công ty fintech của tỷ phú Jack Ma cung cấp các khoản vay nhỏ, không yêu cầu thế chấp cho khoảng 500 triệu người trong năm qua thông qua hai nền tảng. Đó là nền tảng tín dụng vi mô Huabei (Just Spend) và Jiebei (Just Lend).

Sau khi bắt đầu bằng mảng thanh toán trực tuyến với Alipay, tín dụng hiện là hoạt động kinh doanh lớn nhất của tập đoàn Trung Quốc.

San bằng sân chơi

Ant đã bảo lãnh khoảng 1.700 NDT (259 tỷ USD) cho vay tiêu dùng, 422 tỷ NDT (64,24 tỷ USD) đối với các khoản vay doanh nghiệp nhỏ cho khoảng 100 ngân hàng và những tổ chức tài chính khác, hầu hết trong số đó có mạng lưới phân phối hạn chế. Tuy nhiên, Ant không làm việc với những nhà băng cho vay tiêu dùng lớn hơn như China Merchants Bank.

Trong nhiều năm qua, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần thúc giục Bắc Kinh kiềm chế những gã khổng lồ fintech như Ant. Tuy nhiên, thành công rất hạn chế. Truyền thông nhà nước từng gọi các quỹ thị trường tiền tệ của Ant là “ma cà rồng hút máu”, ám chỉ việc bòn rút tiền gửi từ ngân hàng.

Theo Daiwa Securities Group, động thái hồi tuần trước là “bước ngoặt” đối với khuôn khổ pháp lý tài chính. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc khẳng định sự thay đổi trong môi trường pháp lý đối với ngành công nghiệp fintech sẽ “có tác động rất lớn” đến cấu trúc hoạt động và mô hình lợi nhuận của Ant.

Cơ quan quản lý nhấn mạnh việc ngăn chặn đợt IPO “vội vàng” của Ant là một hành động có trách nhiệm với thị trường và các nhà đầu tư.

Ai hưởng lợi khi Trung Quốc kìm hãm đế chế của Jack Ma?
Các ngân hàng than phiền rằng Ant kiếm nguồn lợi khổng lồ mà không chịu những quy định nghiêm ngặt như ngân hàng. 

Theo các đề xuất, Ant và những công ty cho vay trực tuyến khác sẽ phải cung cấp ít nhất 30% vốn cho khoản vay, thay vì mức 2% hiện tại. Các khoản vay đối với cá nhân được giới hạn ở mức 300.000 NDT, hay không quá 1/3 thu nhập trung bình của người đi vay trong 3 năm qua.

Những quy định này khiến Ant và các công ty tài chính khác phải gia tăng vốn và chịu nhiều rủi ro hơn, tương tư như những quy định đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

“Các rào cản đối với ngành kinh doanh tín dụng vi mô trực tuyến đã tăng mạnh”, ông Tang Shengbo, chuyên gia phân tích tại Nomura Securities, nhận xét. Ông giảm dự báo tốc độ tăng trưởng dư nợ của ngành trong giai đoạn năm 2019-2023 từ 28% xuống còn 17%.

Sự giảm tốc đó sẽ tạo động lực cho các ngân hàng như Merchants Bank. Giới phân tích nhận định Ant sẽ được định giá thấp hơn khi thương vụ IPO trở lại. Những con số sẽ gần với các ngân hàng truyền thống hơn, cho thấy con cưng của Jack Ma nghiêng về “fin” (tài chính) hơn “tech” (công nghệ).

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : ngân hàngtrung quoctỷ phú Jack Ma

Các tin liên quan đến bài viết