Nhiều ngành hàng được coi là không có thế mạnh của VN đã mạnh mẽ vươn ra thế giới nhờ doanh nghiệp đầu tư sâu vào chế biến và chuỗi giá trị.
Bất ngờ với xuất khẩu đường
Theo ghi nhận của hải quan, niên vụ mía đường 2019-2020, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) xuất khẩu trên 250.000 tấn đường các loại và dự kiến niên vụ 2020-2021 sẽ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn.
Đây được coi là cú lội ngược dòng của ngành đường VN trong bối cảnh bị cạnh tranh hết sức gay gắt trên sân nhà bởi đường nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Từ 1-1-2020, ngành mía đường VN chính thức hội nhập ATIGA với việc gỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu đường. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, VN đã nhập khẩu trên 800.000 tấn đường từ 9 quốc gia (chủ yếu từ ASEAN), tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Niên vụ 2019-2020 chứng kiến lần đầu tiên sản lượng mía đường trong nước thấp nhất kể từ năm 1995 và cũng là năm đầu tiên trong giai đoạn này sản lượng đường sản xuất trong nước giảm xuống dưới 1 triệu tấn (còn chưa tới 750.000 tấn).
Một lãnh đạo của Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) cho biết đường trong nước làm ra rất khó tiêu thụ. Dự báo sẽ có nhiều nhà máy không đủ nguyên liệu chế biến, thời gian hoạt động của nhà máy chỉ kéo dài 1-3 tháng là hết nguyên liệu.
Theo ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn TTC, khó khăn của ngành đường khi hội nhập quốc tế đã được các cơ quan chức năng cảnh báo từ nhiều năm trước.
Chính phủ và các bộ ngành cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nhưng việc hội nhập là tất yếu. Và TTC đã chuẩn bị cho hội nhập từ 3-4 năm nay bằng cách đầu tư làm nguyên liệu thật tốt, chỉ tập trung cho vùng độc canh cây mía, cơ giới hóa…
Ông Đặng Văn Thành cho biết VN không thể cạnh tranh xuất khẩu đường tinh luyện như các cường quốc về đường.
Do đó, phải tạo ra các sản phẩm đường “không phải là đường” như đường organic, đường lỏng, đường phèn, đường ăn kiêng… mới có thể cạnh tranh.
“Chúng tôi đang xuất khẩu chủ yếu là đường lỏng làm từ mía (không phải từ bắp), đường hữu cơ, đường phèn, đường đen làm trà sữa… đi châu Âu, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc. Đó chính là các sản phẩm và thị trường ngách mà VN có lợi thế”, ông Thành lý giải.
Tăng giá trị nhiều lần
Bằng việc áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến và khác biệt, Công ty Phúc Sinh cũng có thể mở rộng thị trường, bán giá nông sản cao hơn bình thường 2-3 lần.
Ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, cho biết 2020 thực sự là một năm khó khăn khi nhiều đơn vị nhập hàng từ tháng 3 đến nay vẫn còn trong kho, nhưng “không bán hàng cho người này, chúng tôi tìm cách bán cho khách hàng khác”.
“Ví dụ châu Âu (Đức) đã xuất hiện sản phẩm tiêu theo công nghệ sấy khô hoặc sấy ướt, nhưng tiêu sấy lạnh của Phúc Sinh theo công nghệ sấy -60 độ C. Ở Việt Nam, duy nhất Phúc Sinh có tiêu xanh sấy lạnh hoặc tiêu hồng sấy lạnh.
Hồ tiêu bình thường có giá 3.200 USD/tấn, tiêu sấy lạnh của Phúc Sinh bán ra với giá 16.000-18.000 USD/tấn.
Tương tự là sản phẩm xốt tiêu, cà phê… Nhờ công nghệ mà chúng tôi vượt qua khó khăn, dễ dàng tiến vào thị trường và phân phối sản phẩm tốt hơn”, ông Thông chia sẻ.
Mới đây, lô sữa đậu nành của NutiFood cũng đã “lên kệ” tại hơn 450 chi nhánh của siêu thị Walmart tại Trung Quốc. Walmart là thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Mỹ và là một trong các nhà bán lẻ lớn nhất ở thị trường Trung Quốc hiện nay.
Việc trở thành thương hiệu sữa đậu nành đầu tiên của Việt Nam được phép phân phối trong chuỗi đại siêu thị Walmart giúp NutiFood tiếp cận tốt hơn với hơn 1 tỉ người tiêu dùng tại Trung Quốc.
Bà Trần Thị Lệ, tổng giám đốc NutiFood, cho biết để có thể hợp tác thành công với “gã khổng lồ của ngành bán lẻ”, NutiFood đã phải vượt qua hơn 250 tiêu chuẩn khắt khe do Walmart đề ra.
Ngoài quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đạt chuẩn cao, NutiFood phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về vấn đề an ninh vận chuyển, chính sách công ty dành cho cán bộ nhân viên, nhà thầu, đối tác, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội…
Bên cạnh đó, NutiFood đã đầu tư, nâng cấp nhà máy sản xuất theo công nghệ hiện đại nhất như công nghệ trích ly 2 lần giúp giữ trọn hương vị tươi ngon, giá trị dinh dưỡng trong từng hạt đậu…
Tương lai của nông nghiệp VN
Ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết ngành nông nghiệp và thực phẩm trong thời gian tới sẽ dựa nhiều hơn vào tăng giá trị thông qua chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng.
Đây là xu hướng tất yếu khi đất đai của VN có hạn, sản lượng nhiều mặt hàng đã tới hạn trong khi VN vẫn chủ yếu xuất khẩu nông sản thô ra thế giới.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 30,05 tỉ USD, trong đó có 9,5 tỉ USD mặt hàng nông sản đã qua chế biến. Đây là một tỉ trọng tương đối cao và tốc độ tăng trưởng nhanh, vì so với 2 năm trước đây tỉ lệ này khoảng 10%.
Trong năm 2020, có 12 dự án chế biến được khởi công hoặc khánh thành với số vốn lên tới 11.500 tỉ đồng cho thấy các doanh nghiệp xác định đây chính là lĩnh vực mà VN đang có nhiều cơ hội và lợi thế.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu quay lại thị trường nội địa bằng các sản phẩm chất lượng châu Âu, Mỹ với giá cả phải chăng.
Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến ra các sản phẩm chất lượng cao không chỉ tăng giá trị xuất khẩu nông sản mà người tiêu dùng trong nước cũng được hưởng lợi.
Ông Phan Minh Thông cho hay năm 2020, Công ty Phúc Sinh đẩy mạnh chuyển đổi số bán hàng qua website, ứng dụng trên điện thoại thông minh.
“Kết quả bán hàng nội địa ngoài mong đợi. Dù vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng doanh thu 4.000-5.000 tỉ đồng/năm nhưng tăng trưởng nội địa lên tới 100%. Năm 2020, doanh thu nội địa là 30 tỉ thì năm tới sẽ đạt 60 tỉ. Thị trường nội địa thực sự là cơ hội cho những đơn vị đầu tư bài bản”, ông Thông nói.
* Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC:
VN có thể thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đường
VN không phải là cường quốc về cây mía, nhưng chúng ta có thể trở thành một trung tâm chế biến và xuất khẩu đường nếu có đủ cơ chế chính sách hỗ trợ.
Nên cho nhập khẩu đường thô thay vì nhập khẩu đường tinh luyện. Vì nhập khẩu đường thô tạo thêm công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động, tạo ra giá trị gia tăng, tạo thêm thu nhập cho Nhà nước, hạn chế đường nhập lậu.
Cũng cần thay đổi tư duy đường VN phải làm từ mía trồng ở VN mà phải tư duy theo chuỗi giá trị. Theo đó, cần xác định lợi thế cạnh tranh của VN sẽ nằm ở phân khúc nào, đem lại giá trị gì cho cả ngành và cho đất nước.
Chúng ta có thể trồng mía ở Lào, Campuchia; có thể nhập khẩu đường thô từ Brazil, từ Thái Lan về để chế biến, tận dụng lợi thế của mình để tạo ra các giá trị gia tăng, đưa VN trở thành nước xuất khẩu đường.
Nguồn: tuoitre.vn