Nói đến phở, trong tôi luôn đong đầy kỷ niệm, từ tô phở bò nóng hổi ở Huế ba thưởng khi tôi được giấy khen của trường, hay chiếc xe đẩy mỗi xế chiều ngang qua ngõ.

Phở Hà Nội, phở Sài Gòn trong mắt người Huế như thế nào? - Ảnh 1.

Tác giả trước quán phở Hàng Đồng ở Hà Nội

Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, đây là thành phố nhỏ và không có nhiều tiệm phở. Có lẽ phở là món ăn không phải là đặc sản của đất kinh kỳ. Bấy giờ chỉ có vài tiệm tập trung ở khu Gia Hội và Ngã Giữa, là món ăn “cao cấp” bọn học sinh chúng tôi. Chỉ có những gia đình trung lưu, cuối tuần mới cùng nhau tới quán, mà người quê tôi gọi là đi kéo ghế.

Riêng tôi, nếu tháng nào được giấy khen của trường, ba dẫn tôi đi bộ đến quán Châu Anh thưởng cho một tô phở bò nóng hổi!

Tuy nhiên, trong tôi ấn tượng nhất về phở ở Huế chính là những chiếc xe đẩy cứ mỗi xế chiều đi ngang trước ngõ, với tiếng mõ tre lốc cốc của bác Tự. Phở bán rong rẻ hơn phở tiệm, nhưng chất lượng cũng chẳng thua kém là bao.

Những lúc trái gió trở về, miệng đắng, không ăn uống gì được, thế là mạ lại ra chờ trước ngõ để mua cho tôi ăn cho chóng lành bệnh.

Có lẽ giờ này những chiếc xe phở bán rong ở quê tôi cũng không còn.

Lớn lên, vào Nam lập nghiệp, tôi thấy ở Sài Gòn có quá nhiều quán phở. Đường phố nào cũng có. Ban đầu tôi ít thích phở ở miền Nam vì mang hương vị khác với phở ở quê tôi, vả lại tô phở quá lớn, ăn xong cảm thấy ngán. Nhưng dần dà, tôi cũng thích món phở Sài Gòn vì mang đủ hương vị tổng hợp, trong đó không thể bỏ qua hương vị của rất nhiều các loại rau ăn kèm.

Phở Hà Nội, phở Sài Gòn trong mắt người Huế như thế nào? - Ảnh 2.

Tô phở Hà Nội

Cách đây mấy năm ra Hà Nội, tôi được anh bạn nhà báo chở đi ăn phở ở phố Hàng Đồng. Quán hẹp và nhỏ, khách vào ra rất đông nhưng cả chủ và khách đều rất lịch sự.

Tôi thích hương vị phở Hà Nội hơn ở Sài Gòn. Bánh phở dẻo, nước phở trong và ngọt tự nhiên được hầm từ xương, đầy những lát thịt bò mềm, thấm tháp. Anh gọi thêm cho tôi giò quẩy và trứng chần, anh nói ăn như thế mới kiểu Hà Nội. Bánh quẩy be bé và mềm, nhúng với nước phở để ăn. Một chén trứng chần ăn riêng hoặc bỏ chung với nước phở nếu thích tăng thêm vị béo.

Anh cũng cho biết phở ở Hà Nội thường có thêm phụ gia như quế, hồi, thảo quả, gừng nướng… để tăng thêm hương vị đậm đà, không lẫn vào đâu được.

Ngày trước, nhiều nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng… đã miêu tả về những tô phở của đất Hà thành thật tinh tế, hấp dẫn khiến người đọc thèm ứa nước miếng. Bây giờ mới thấy quả không sai, cho dù nói đến phở đâu chỉ riêng ở Hà Nội mới có.

Cách đây vài năm, trong một lần đặt chân đến xứ Cờ Hoa vào một chuyến bay tối, sau khi được người thân đón và đưa về nhà, lần đầu tiên tôi được chiêu đãi một tô phở Việt trên đất Mỹ do chủ nhà nấu.

Tô phở Sài Gòn đã bự rồi mà tô phở của người Việt mình trên đất Mỹ phải nói là to gần gấp đôi và đầy thịt. Mặc dù rất đói do phải bay qua chặng đường dài, nhưng tôi không thể nào ăn hết! Chủ nhân nói rằng, ở bên này, người Việt mình ai cũng biết nấu phở để ăn tại gia đình.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong tôi là trong chuyến tham quan Pháp và một số nước châu Âu. Ở Pháp, tôi được dẫn đi ăn phở tại quận 13 ở Paris. Ở đây có rất nhiều tiệm phở mà chủ nhân phần lớn từ miền Nam sang định cư sau năm 1975. Có lẽ vì thế mà hương vị phở ở đây không khác gì phở Sài Gòn.

Phở Hà Nội, phở Sài Gòn trong mắt người Huế như thế nào? - Ảnh 3.

Tiệm phở Hòa ở Quận 13 Paris (Pháp)

Thời gian du lịch ở châu Âu sang Đức, Hungary, Thụy Sĩ…, do không quen với với thức ăn của người châu Âu, đến bữa, tôi lại rảo bước đi tìm nơi nào có bán món ăn của người châu Á để lót dạ. Có lần, trong khi đang đi dạo trên một con phố nhỏ ở Hungary.

Thật bất ngờ, tôi thấy có tấm bảng nhỏ treo trước một ngôi nhà đề chữ PHO, thế là biết ngay nơi đây có bán phở! Quán ăn ở bên dưới so với mặt đường như ở trong một tầng hầm nên nhìn ở ngoài không trông thấy gì. Trong quán, khách đủ cả người châu Ấ lẫn châu Âu.

Chủ quán sang đây định cư đã lâu, quê ở Hải Phòng, có lẽ nhờ đó mà tô phở có hương vị rất gần với phở Hà Nội.

Mặc dù đã được thưởng thức phở ở khắp nhiều nơi, trong nước và ngoài nước, nhưng tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh tô phở của chiếc xe đi bán rong ở Huế mà mạ đã mua cho tôi trong những lúc trái gió trở trời thuở còn đi học. Và trong ký ức, tôi vẫn còn nhớ mãi những tô phở trong một tiệm ăn sang trọng ở Huế mà mỗi khi tôi được giấy khen, ba tôi dẫn ra đó để tưởng thưởng cho sự học tập của mình.

Nói đến phở, trong tôi luôn đong đầy kỷ niệm.

Có gì hấp dẫn trong Ngày của Phở 12-12-2020?

Bắt đầu từ năm 2017, “Ngày của Phở 12-12” – sự kiện do báo Tuổi Trẻ khởi xướng nhằm tôn vinh văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam, vừa là dịp để giới yêu phở cùng trải nghiệm, thưởng thức và chia sẻ “món ăn quốc hồn quốc túy” của dân tộc.

Ngày của Phở 2020 sẽ tiếp tục với cuộc bình chọn “Top 10 thương hiệu phở được yêu thích”. Từ nay đến hết ngày 30-10 sẽ là giai đoạn đề cử, sau đó sẽ là cuộc bình chọn kéo dài đến ngày 30-11). Top 10 năm 2020 sẽ được vinh danh tại Gala Ngày của Phở 12-12 (Hà Nội).

Năm nay, hành trình “Đi tìm người nấu phở ngon” sẽ mở thêm bảng B dành cho người yêu phở không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, giúp tạo thêm sân chơi cho những bà nội trợ, những người đam mê món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc.

Vòng sơ khảo khu vực phía Bắc sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10-11, còn khu vực phía nam sẽ diễn ra vào ngày 26-11.

Mời bạn đọc truy cập tại: ngaycuapho.tuoitre.vn hoặc email về: ngaycuapho@tuoitre.com.vn để đăng ký tham dự.

Cuộc thi ảnh và viết với chủ đề “Phở trong tôi” vừa được ban tổ chức công bố hiện đã nhận được nhiều bức ảnh, bài viết đầy cảm xúc, hứa hẹn sẽ lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia, của những vị giám khảo khó tính nhưng luôn hết mình vì phở Việt.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Ngày của phởPhở hà NộiPhở Sài Gòn

Các tin liên quan đến bài viết