Đến hẹn lại lên, dịp cuối năm, công tác bình xét các danh hiệu khu dân cư, gia đình, cơ quan, đơn vị… văn hóa diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành.
Dù đã có nhiều đổi mới nhưng tính hình thức và “căn bệnh” thành tích vẫn còn ẩn hiện dưới các danh hiệu này. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai trong cả nước từ năm 2000. Đây là một phong trào rộng lớn, mang tính chất toàn dân, toàn diện, toàn quốc, có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Phong trào khơi dậy được tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng, giúp nhau xóa nghèo, phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Tại Bình Phước, đến nay, tất cả huyện, thị xã đều đã thành lập ban chỉ đạo phong trào. Tại các xã, phường, thị trấn, trưởng ban chỉ đạo là chủ tịch UBND cấp xã. 100% khu dân cư đều có ban công tác mặt trận và các ban vận động phong trào. Theo số liệu thống kê, năm 2000, toàn tỉnh chỉ có 21% khu dân cư được công nhận tiên tiến; 18,8% khu dân cư xuất sắc; 58% gia đình được công nhận văn hóa. Đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 64,2% khu dân cư văn hóa; 92,36% gia đình văn hóa. Rộng ra cả nước, năm 2015 có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 85,03%.
Kết quả là vậy, nhưng thực tế các danh hiệu nêu trên còn mang tính “phong trào”, chạy theo thành tích, “có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Công tác kiểm tra, đánh giá thiếu sâu sát, không đi vào thực chất, đặc biệt là công tác bình xét. Khi bình xét cuối năm, gia đình nào không phạm phải vấn đề gì lớn là cho vào danh sách đạt tiêu chuẩn văn hóa. Thậm chí, có gia đình sinh con thứ ba, vi phạm Luật Giao thông đường bộ… nhưng vẫn được bình xét gia đình văn hóa. Việc phân loại, bình xét không dựa vào tiêu chí của cấp trên mà chỉ xét chung chung. Có người nói: “Gia đình tôi toàn “bị ép” đạt văn hóa, trong khi con thì nghiện game dẫn đến bỏ học, vợ chồng lục đục. Nhận cũng thấy… nhột!”. Hạ thấp chỉ tiêu thì không đạt tiên tiến, văn hóa nên nhiều tổ, khu dân cư đã nâng hoặc cào bằng các tiêu chí trong bình xét. Điều dễ nhận thấy là có khu dân cư treo bảng văn hóa, nhưng đường vào ấp rác vứt bừa bãi; kim tiêm, ống chích ngổn ngang; cờ bạc diễn ra công khai… Chính vì xét duyệt chung chung, thực hiện qua loa, chạy theo thành tích nên danh hiệu khu dân cư, gia đình, đơn vị… văn hóa dần bị bình thường hóa, làm mất đi ý nghĩa thực chất của phong trào. Một số tờ báo mới đây đăng tin, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã thẳng thắn nói: Đà Nẵng có tới 80-90% tổ văn hóa sao mà ma túy nhiều vậy… Hãy thực chất đi, đừng ru ngủ nữa! Mấy danh hiệu gia đình văn hóa, tổ văn hóa cần phải xem lại. Đề nghị UBMTTQVN thành phố soạn lại tiêu chí.
Ngày 15-11, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Bình Phước cũng đề xuất với Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp Trung ương đưa tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận các danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” vào Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng thời, cho Bình Phước được thí điểm việc bình xét, phân loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa theo 3 mức: xuất sắc, tiên tiến, đạt yêu cầu trong 3 năm tới, và cùng nhiều giải pháp khác mới mong các danh hiệu nêu trên dần đi vào thực chất, đúng với ý nghĩa của phong trào.
Hoàng Ngọc (BPO)