DNNN dù đã CPH nhưng không có nhiều thay đổi khi tỷ lệ nhà nước nắm giữ còn cao. Nhiều DN khó khăn, thua lỗ, chật vật tồn tại trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Lỗ trăm tỷ kéo dài
Năm 2018, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) được cổ phần hóa (CPH). Nhà nước nắm giữ 51,43% vốn điều lệ, cổ đông chiến lược – Công Ty CP Tập Đoàn T&T – nắm giữ 25%, các cổ đông khác chiếm tỷ lệ 23,57%.
Trước CPH, Vinafood 2 đã thua lỗ. Sau CPH, Vinafood 2 vẫn không khá lên dù có nhà đầu tư chiến lược. Theo báo cáo của Vinafood 2, lợi nhuận sau thuế quý II/2020 lỗ hơn 43 tỷ đồng. Tính đến hết 6 tháng năm 2020, Vinafood 2 lỗ hơn 160 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 2.188 tỷ đồng.
|
Sau cổ phần hóa, Vinafood 2 vẫn đang vật lộn với khó khăn. |
Giải trình kết quả kinh doanh, Vinafood 2 cho rằng, chính sách nhập khẩu gạo của các nước có nhiều thay đổi, gia tăng các rào cản để bảo hộ sản xuất, cạnh tranh gay gắt; việc tạm ngưng xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến giảm sản lượng bán.
Bên cạnh đó, nhìn nhận từ các chuyên gia nhấn mạnh, Vinafood 2 cũng như nhiều DN lớn gặp phải tình trạng “bình mới rượu cũ”. Dù CPH nhưng cổ đông Nhà nước gần như vẫn nắm quyền quyết định. Điều này khiến cho quản trị, kinh doanh của DN không có đổi mới. Với khó khăn cũ, nếu cơ chế không đổi mới sẽ khó có thay đổi, kinh doanh thua lỗ kéo dài gây nguy cơ mất vốn cho Nhà nước và các cổ đông.
Thực trạng như trên không phải là hiếm. Một câu chuyện được nhắc đến nhiều là Tổng công ty CP Sông Hồng. Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho biết, CPH từ 2010, nhưng vài năm nay kết quả sản xuất kinh doanh ngày càng đi xuống.
Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ gần 67 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2019 âm tới 651 tỷ đồng. Trong năm 2018, công ty mẹ thuộc Tổng công ty Sông Hồng đạt doanh thu khoảng 213 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí lên tới 589 tỷ đồng nên tổng DN thua lỗ khoảng 376 tỷ đồng.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội vào cuối năm 2019 điểm mặt nhiều DN thua lỗ sau CPH: Tổng công ty CP lương thực miền Nam lỗ phát sinh 1.488 tỷ đồng; Tổng công ty CP xây dựng Sông Hồng lỗ phát sinh 387 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng và công nghiệp Việt Nam lỗ phát sinh 313 tỷ đồng…
Theo đánh giá của Chính phủ, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư. Mặt khác, do tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn cao nên sau khi chuyển sang công ty cổ phần, việc thay đổi quản trị DN gặp khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Từ câu chuyện trên, một chuyên gia chia sẻ: Dù CPH với sự tham gia của cổ đông chiến lược tiềm lực với mong muốn cải thiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mô hình quản trị để nâng cao hiệu quả DN và quyền lợi NN và cổ đông. Tuy nhiên, khi cổ đông nhà nước vẫn chiếm đa số thì việc chuyển đổi thực sự sẽ khó khăn. Thực tế này kéo dài sẽ khiến không chỉ cổ đông, DN bị ảnh hưởng mà nền kinh tế cũng bị tác động. Vì khi 1 DN lớn, kinh doanh lĩnh vực thế mạnh Việt Nam là lúa gạo khó khăn sẽ tác động lớn đến sản xuất lúa gạo, đời sống nông dân, hoạt động xuất khẩu và cả an ninh lương thực quốc gia.
Cổ phần hóa cần thực chất
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Bảng xếp hạng Doing Business 2019, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam có sự cải thiện nhưng vẫn kém xa các nước trong khu vực. Indonesia xếp thứ 51, Thái Lan xếp thứ 15, Singapore xếp hạng 7, Malaysia xếp hạng 2, còn Việt Nam xếp thứ 89.
Tại dự thảo về Đề án quản trị DNNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa quan tâm đúng mức về vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số, thể hiện ở việc thiếu chủ động ban hành hướng dẫn cụ thể về cách thức và công cụ thực hiện đối xử công bằng với cổ đông nhỏ tại DNNN được giao quản lý ngoài các quy định chung của nhà nước.
Theo cơ quan này, việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần là điều kiện tốt để áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty. Tuy vậy, quá trình CPH còn chậm mà một trong những nguyên nhân là nỗ lực triển khai thực hiện kế hoạch chưa cao. Khi vướng phải những khó khăn như định giá, xử lý công nợ hay các vấn đề đất đai thì tâm lý chung là ngại trách nhiệm, không chủ động và không dám quyết định theo thẩm quyền, tìm cách đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc mất rất nhiều thời gian, thủ tục để xin ý kiến đồng thuận của các cơ quan khác.
Thậm chí 1 chuyên gia nêu ý kiến: “Nỗi lo sợ của người quyết định liên quan đến bán vốn nhà nước lớn đến mức chấp nhận mọi sự phê phán trì trệ, chứ không dám quyết.
“Một bộ phận cán bộ lãnh đạo cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp có tâm lý e ngại, lo lắng về vị trí, vai trò, mất quyền lợi được chỉ đạo, lãnh đạo DN nên không nỗ lực thực hiện công tác CPH, tái cơ cấu. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu làm chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa nghiêm, quy định về cơ chế xử lý rõ ràng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Giải pháp được Bộ này đề xuất là sớm hoàn thành mục tiêu chuyển hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần; sớm hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn nhà nước quy định tại Quyết định 26/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn đến năm 2025, thực hiện chuyển hầu hết danh mục DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn lại thành công ty cổ phần, chỉ nên duy trì hình thức công ty TNHH MTV vốn nhà nước đối với các DN thuộc ngành, lĩnh vực in tiền, bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách xã hội, lưu ký chứng khoán và các nhà xuất bản.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng: “Nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc để thoái càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn”.
Vị chuyên gia này cảnh báo, sự chậm trễ trong CPH, thoái vốn dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng, chờ đợi, thậm chí bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Những lo ngại này đặt ra một yêu cầu bức thiết về việc phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ CPH, thoái vốn trong thời gian tới.
Nhắc lại câu chuyện thực tế, vị chuyên gia cho rằng, không chỉ Vinafood 2, Sông Hồng mà các doanh nghiệp CPH khác không nhanh chóng xử lý những tồn tại của bộ máy vận hành cũ, không chỉ cổ đông chiến lược thiệt hại mà người thiệt hại lớn nhất chính là Nhà nước cùng với hàng nghìn người lao động.
Nguồn: vietnamnet