Nhiều loại trái cây tăng giá mạnh, thậm chí giá mít Thái còn tăng kỷ lục. Đáng chú ý, trong tháng 9 các loại trái cây như chanh leo, bưởi, thanh long, dừa tươi,… ồ ạt xuất sang châu Âu theo hiệp định EVFTA.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 9, giá một số loại trái cây trong nước có xu hướng tăng – giảm trái chiều, song phần lớn đều có chiều hướng tăng mạnh.
Đơn cử, tại Kiên Giang, giá chuối xiêm tăng trở lại, lên mức 9.000-10.000 đồng/nải, gấp 5 lần so với thời điểm bị mất giá kéo dài từ năm ngoái sang đầu năm nay. Theo nhà vườn, giá chuối đang tăng cao, ngoài việc thị trường tiêu thụ tốt, thương lái đẩy mạnh thu mua, thì nguồn cung cũng bị hạn chế trong bối cảnh ảnh hưởng mưa bão.
Tương tự, giá mít Thái ở Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ,… đồng loạt tăng mạnh, có thời điểm lên đến gần 70.000 đồng/kg. Hiện mít Thái loại 1, trọng lượng từ 8 kg/trái trở lên, được thương lái thu mua tại vườn với giá 65.000-68.000 đồng/kg; loại 2 dưới 8 kg/trái từ 50.000-55.000 đồng/kg, tăng hơn 25.000 đồng/kg so với cuối tháng 8, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cách đây khoảng 3 tháng và cao hơn 15.000 đồng/kg so với giá mít đỉnh điểm năm ngoái.
|
Giá mít Thái tăng kỷ lục |
Trong khi đó, giá dừa sáp tại tỉnh Trà Vinh được thu mua tại vườn từ 100.000-120.000 đồng/quả (tùy trọng lượng), tăng 20.000-25.000 đồng/quả so với tháng 6 âmm lịch do nhu cầu của rất nhiều du khách từ các nơi ngoài tỉnh đến huyện Cầu Kè trong dịp lễ hội Vu Lan và dịp Trung thu.
Trước đó, Bộ NN-PTNT thông tin, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả, trái cây của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) trong tháng 8 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước, và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong tháng 9, hoạt loạt lô trái cây của Việt Nam cũng được xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA và hưởng thuế suất ưu đãi 0%
EVFTA có hiệu lực, thanh long, chanh leo, bưởi, dừa tươi của Việt Nam ồ ạt sang châu Âu |
Cụ thể, giữa tháng 9 vừa qua, lô chanh leo 100 tấn lên đường sang EU để chinh phục thị trường khó tính này. Ngay sau đó, lô hàng gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long do của một doanh nghiệp cũng được xuất sang EU bằng đường tàu biển và hàng không.
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam. Xuất khẩu nông sản của nước ta được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực. EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.
Mức cam kết này của EU tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia,… Theo Bộ NN-PTNT, đây là cơ hội to lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường này.
Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang EU đánh giá, việc giảm thuế theo EVFTA giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường châu Âu. Các nhà nhập khẩu của EU cũng gia tăng nhu cầu đối với trái cây Việt Nam.
“Có khá nhiều nhà nhập khẩu của EU đã liên hệ với chúng tôi đặt vấn đề nhập khẩu trái cây. Nhưng do đang trong thời kỳ dịch bệnh, việc thanh toán không được thuận lợi như trước nên công ty cũng phải chọn lọc khách hàng”, vị đại diện này chia sẻ.
9 tháng năm 2020, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 2,5 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu trong 8 tháng năm 2020 với 58,2% thị phần, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2019. Còn lại rau quả Việt xuất sang hầu hết các thị trường khác đều tăng mạnh. Trong khi đó, tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 939 triệu USD, giảm 32,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Australia là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam. |
Nguồn: vietnamnet