Báo cáo về vụ cây xanh ngã, đổ gây chết người trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) chiều qua, công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho biết, đây cây dầu mã số 108 có tán cân đối, thân thẳng. Cây có vị trí gần ngã ba giao lộ Nguyễn Tri Phương- Đào Duy Từ, được chăm sóc duy tu gần nhất vào ngày 1-8.
Trước đó, vào tháng 12-2019 công ty đã phát hiện hàng cây này bị xâm hại đào sát gốc làm đứt rễ. Từ tháng 5-2020 đến tháng 8-2020 khu vực này đã được xây dựng kết nối liên bồn.
Cây xanh bị ngã trên đường Nguyễn Tri Phương. Ảnh: NT
Nhận định về nguyên nhân cây ngã, đổ, công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho rằng: “Có thể do một luồng gió rất mạnh làm cho hệ rễ bị xoắn, đứt gãy. Quan sát hiện trường, công ty nhận thấy cây ngã có hệ rễ bị hư hỏng, có dấu hiệu sam mục”.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), vụ việc ngã, đổ cây xanh gây chết người trên đường Nguyễn Tri Phương là một tai nạn rất đáng tiếc. Những trường hợp tai nạn không may xảy ra, cơ quan quản lý sẽ có hỗ trợ kịp thời.
“Tất cả những trường hợp tại nạn như thế sẽ được công ty TNHH MTV Công viên cây xanh hỗ trợ từ lúc đưa nạn nhân vào bệnh viện và hỗ trợ kinh phí chữa bệnh. Đối với trường hợp nạn nhân không qua khỏi công ty cũng có chính sách hỗ trợ gia đình” – Ông Điệp nói.
Ông Điệp cho biết thêm, hiện nay những hàng cây cổ thụ trên đường xu hướng sẽ phải thay thế dần khi cây đến tuổi. Tuy nhiên, khi thành phố đốn hạ, thay thế những cây xanh già cỗi, sâu bệnh lại thường bị dư luận phản ứng mạnh nên các cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đã có đề xuất đốn hạ thay thế dần những cây sâu bệnh, già cỗi. Khi nào có sự chấp thuận của TP chúng tôi sẽ thực hiện” – ông Điệp nói.
Trước đó, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 24-9, cây dầu cổ thụ cao hơn 30 m, đường kính gốc gần 1 m bất ngờ bật gốc, ngã xuống ở đường Nguyễn Tri Phương (quận 10). Cây đổ, đè trúng một người đi xe máy trên đường. Đến ngày 25-9, nạn nhân đã tử vong tại bệnh viện.
Ai sẽ bồi thường thiệt hại? Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM, theo Điều 604 BLDS quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Việc cây đổ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải có trách nhiệm bồi thường trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 584 BLDS: “Thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại” Trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng theo quy định định tại Điều 156 BLDS: “Nếu sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” Về trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý đối với cây xanh trồng tại đô thị được quy định tại Điều 11 Nghị định 64/2010: Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt; Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây;… Như vậy, nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh thực hiện đúng quy định tại Điều 11 Nghị định 64/2010 nhưng sự cố về cây xanh vẫn xảy ra và có thiệt thì đây được coi là sự kiện bất khả kháng và không phải bồi thường. Khi có sự cố gây thiệt hại thì người bị hại cần liên hệ với chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh đề nghị xem xét giải quyết, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được thì người bị hại có quyền khởi kiện ra tòa. |
Theo Plo.vn