Cơ quan quản lý thị trường đã bắt đầu các đợt ra quân kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực xe điện lậu, không rõ nguồn gốc khi nhu cầu mua mặt hàng này tăng lên trong đầu năm học.
|
Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi xuống các đội Quản lý thị trường về việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng xe điện.
Tại công văn này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết qua nắm bắt thông tin báo chí phản ánh về việc thị trường Hà Nội gần đây xuất hiện trở lại tình trạng kinh doanh mặt hàng xe điện các loại (xe máy, xe đạp điện) nhập lâu, có dấu hiệu giả mạo, gian lận nguồn gốc, nơi sản xuất (xe Trung Quốc gắn xuất xứ “Made in VietNam), không đảm bảo chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu đội trưởng các đội quản lý thị trường triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý thông tin địa bàn, lĩnh vực, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện (bao gồm bộ phận ắc quy điện) nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo, gian lận thương mại.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm tra, truy xuất về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; Giấy chứng nhận chất lượng, đăng kiểm công bố hợp quy và việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Cục QLTT Hà Nội đã tuyên truyền phổ biến các quy định cũng như các tác động xấu ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước từ hoạt động kinh doanh mặt hàng xe điện nhập lậu, giả mạo, gian lận xuất xứ, đồng thời thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng về các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông từ việc sử dụng, lưu thông mặt hàng xe điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không được đăng kiểm, chứng nhận chất lượng giả mạo.
Quản lý thị trường bắt đầu kiểm tra tại nhiều hệ thống cửa hàng |
Theo những thông tin ICTNews nắm được, hiện một số đội quản lý thị trường Hà Nội đã bắt đầu đợt ra quân kiểm tra tại nhiều cửa hàng bán xe điện đang bán trên thị trường Hà Nội.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của chủ một hệ thống điện máy, các loại xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay đã có các chiêu thức hoạt động tinh vi hơn. Nhiều mẫu xe có thể đã được “phù phép” các loại giấy tờ để hợp lý hóa nguồn gốc, xuất xứ; lượng xe khai báo thấp hơn so với thực tế; khai báo giá trị thấp hơn để “lách thuế”.
Ngoài ra, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM,… các loại xe này không còn bày bán tràn lan và công khai như vài năm trước mà sẽ bán cùng hàng chính hãng. Nếu người dùng có nhu cầu mua các mẫu xe giá rẻ thì sẽ được người bán giới thiệu. Dù không có hóa đơn chứng từ, giấy chứng nhận chất lượng nhưng với mức giá rẻ hơn 30 – 40% nên nhiều người vẫn sẵn sàng chọn các loại xe này.
Trong khi đó, ở nhiều tỉnh, thành khác thì nhiều cửa hàng vẫn bày bán công khai các loại xe không rõ nguồn gốc, đặc biệt là xe đạp điện. Lý giải điều này, đại diện một doanh nghiệp xe cho biết: Khách hàng tại các thành phố lớn hiện nay thường có xu hướng lựa chọn các loại xe máy điện. Loại xe này hiện đã quản lý bằng việc đăng ký biển số như xe máy nên khó có thể trà trộn các loại hàng lậu mà sẽ khai báo giá trị thấp. Còn ở các vùng nông thôn, nhu cầu mua các loại xe đạp điện của người dân vẫn rất lớn (đặc biệt là từ miền Trung trở vào). Vì thế, nhiều loại xe không nguồn gốc vẫn được bày bán rất công khai.
Một điểm nữa gây khó trong quản lý, đó là do xe đạp điện hiện không cần đăng ký biển số khi lưu thông, người mua hoàn toàn có thể sử dụng ngay. Do đó, trên thực tế xuất hiện nhiều xe không được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn tham gia giao thông. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người mua phát sinh tâm lý không quá “coi trọng” việc lựa chọn các sản phẩm có chất lượng cao – với mức giá vốn cao hơn nhiều. Điều này cũng khiến cho tình trạng xe lưu hành trong thực tế luôn lớn hơn số lượng do các nhà chức trách quản lý. Việc thống kê con số chính xác xe đạp điện hoạt động thực tế không dễ. Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng xe được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra chứng nhận sản xuất, lắp ráp đưa ra thị trường hiện chiếm phần rất nhỏ so với số lượng thực tế.
Nguồn: vietnamnet