Luật sư cho rằng, để có sức khỏe, có thời gian hoạt động thiện nguyện, để hiệu quả trong việc thực hiện công việc thiện nguyện, ông Đoàn Ngọc Hải cần phải tính đến câu chuyện về nhân lực và pháp lý.
Như Dân Việt đưa tin, sau khi xin từ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn TNHH MTV (SGCC) ông Đoàn Ngọc Hải đã tự bỏ tiền mua xe cứu thương chở miễn phí bệnh nhân nghèo trên cả nước về quê.
Việc làm của ông Hải đã nhận được sự ủng hộ ngợi khen của nhiều người dân trên cả nước. Mới đây nhất, ông Hải chở bệnh nhân nghèo từ Hà Nội đi Hà Giang, một hành trình dài khoảng 600 km cả đi và về.
Đặc biệt, biết đến việc làm ý nghĩa của ông Hải, nhiều Mạnh Thường Quân muốn góp sức, hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu hết ông Hải đều từ chối và chỉ nhận 66 triệu đồng của những người bạn rất thân. Số tiền này ông cho mỗi bệnh nhân được mình chở về 1 triệu đồng cho đến khi hết, sau đó sẽ tự bỏ tiền túi của mình ra cho.
Sau đó, nhiều ý kiến cho rằng, để việc làm của ông Hải được duy trì thường xuyên và hiệu quả hơn ông Hải cần phải tính đến câu chuyện về nhân lực và pháp lý.
Một việc làm ý nghĩa, một con người trân quý
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, ông cảm nhận ông Đoàn Ngọc Hải là một con người cương trực, thẳng thắn và có tấm lòng nhân ái.
Ông Hải sẵn sàng “từ quan”, từ bỏ chức tước, danh vọng, bổng lộc để trở thành một người dân thường, mang tấm lòng của mình đi giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn.
“Đây là một con người đáng trân quý, rất đáng để được người đời yêu mến, tôn trọng. Giữa lúc cuộc sống hiện đại xô bồ, lộn xộn, nhiều người vật lộn với cơm áo gạo tiền để nuôi sống bản thân, gia đình, nhiều người chỉ biết vun vén cho lợi ích cá nhân mà không biết chăm lo đến quyền lợi của cộng đồng, người nghèo khó thì ông Hải đã vượt qua được những mưu cầu cá nhân rất đỗi thường tình đó. Đó là một việc làm không phải ai cũng làm được”, luật sư Cường nói.
Thời gian gần đây, ông Hải không chỉ bán đồng hồ là tư trang cá nhân còn bán ô tô và sử dụng tài sản vào việc mua xe cứu thương để thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
“Với suy nghĩ và việc làm của ông Hải chắc chắn rằng sẽ rất nhiều mạnh thường quân sẵn sàng góp công sức, tiền của để cùng ông Hải làm thiện nguyện.
Rất có thể trong tương lai ông Hải sẽ trở thành điển hình của người tốt việc tốt, sẽ khởi động phong chào thiện nguyện để phát huy những giá trị tích cực của xã hội, khơi dậy đạo đức con người trong xã hội đầy cám dỗ bởi vật chất như hiện nay”, luật sư Cường chia sẻ.
Nên thay đổi phương thức, kế hoạch thiện nguyện
Sau khi mua xe cứu thương, ông Hải chở bệnh nhân nghèo từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đi khắp các tỉnh thành. Mới đây nhất, ông Hải chạy xe từ Hà Nội đi Hà Giang, một hành trình dài khoảng 600 km cả đi và về.
Tuy nhiên, theo luật sư Cường, để có sức khỏe, có thời gian hoạt động thiện nguyện, để hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu của mình ông Hải cần phải tính đến câu chuyện về nhân lực và pháp lý.
Cụ thể, ông Hải cần phải hoạch định lộ trình, cung đường mình di chuyển, thời gian di chuyển để bố trí nhân lực, chuẩn bị sức khỏe cho phù hợp.
Một mình ông Hải chắc chắn không thể lái xe hết ngày này qua ngày khác, đi hết vùng này đến vùng khác mà không có thời gian nghỉ ngơi.
Việc lái xe đường dài liên tục trên ba tiếng đồng hồ là không thể đảm bảo an toàn, với những cung đường dài như vậy cần phải có người hỗ trợ và cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Trong trường hợp có thêm xe, thêm người lái mà không thành lập pháp nhân, không thành lập một doanh nghiệp thì ông Hải vẫn chỉ là những cá nhân làm thiện nguyện. Lúc này, phát sinh các rủi ro thì các cá nhân tự chịu.
Còn trường hợp ông Hải và một số cá nhân thành lập tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện hoạt động thiện nguyện phi lợi nhuận thì việc tổ chức và hoạt động phải theo quy định pháp luật.
Khi đó nếu ông Hải thuê mướn lao động cần tuân thủ quy định của pháp luật về lao động và quyền lợi của những lái xe được thuê mướn sẽ được thanh toán chi trả theo thoả thuận của các bên và theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, với những người được ông Hải giúp đỡ, nói không may nếu trên đường xảy ra rủi ro mà ông Hải đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì bảo hiểm sẽ được xác định là trách nhiệm dân sự dành cho chủ xe cơ giới. Khi đó, cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả thiệt hại cho người thứ ba nếu có tai nạn xảy ra.
Một trường hợp khác, nếu ông Hải không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự mà cả người dân và ông Hải tham gia giao thông gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì cá nhân ông Hải phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Trong quá trình hoạt động thiện nguyện, có rất nhiều người dân chặn xe quyên góp tiền, thậm chí có mạnh thường quân cho cả tỷ đồng để ông Hải thực hiện việc thiện nguyện. Tuy nhiên, ông Hải từ chối lấy vì sợ người dân hiểu lầm rằng mình lợi dụng để kiếm tiền, để nâng cao hình ảnh. |
Tùy thuộc vào chương trình, mục tiêu của ông Hải và việc người khác đưa tiền, tài sản cho ông Hải có thể là tặng cho ông Hải có điều kiện (với điều kiện là ông Hải dùng số tiền đó vào hoạt động từ thiện). Sau khi nhận được số tiền đó ông Hải phải thông báo lại cho người đã đưa mình tiền về việc sử dụng tiền đúng mục đích.Luật sư Cường chia sẻ thêm, nếu ông Hải tự mình đi giúp đỡ người khác bằng tiền của mình thì câu chuyện hết sức đơn giản. Còn trường hợp, ông Hải nhận tiền của người khác để thực hiện việc thiện nguyện thì việc này cũng cần phải rõ ràng, minh bạch thì mới hoạt động lâu dài được.
Nếu như ông Hải bán tài sản của mình để lấy tiền đầu tư làm từ thiện thì khi có ai đó mua tài sản của ông Hải, số tiền ông Hải bán được tài sản đó sẽ là tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Hải. Sau đó ông Hải từ thiện cho ai, như thế nào, bao nhiêu là quyền của ông Hải.
Nhưng nếu ông Hải không bán tài sản của mình mà nhận tiền trực tiếp từ các “mạnh thường quân” để sau đó mang đi từ thiện thì phải theo nội dung thông báo của ông Hải đã đưa ra trước đó hoặc theo thỏa thuận giữa ông Hải với người đưa tiền.
Có thể với mỗi chương trình từ thiện, ông Hải thông báo công khai và nhận tiền của các tổ chức, cá nhân ủng hộ quyên góp, sau đó công khai số tiền của tình người đã ủng hộ quyên góp và công khai kết quả từ thiện cho mọi người được biết trên nhóm hoặc thông báo trực tiếp.
Với những trường hợp người tặng quà, tiền từ thiện muốn bí mật danh tính, không muốn công khai thông tin của họ hoặc không đòi hỏi phải giải trình, thông báo về việc sử dụng tiền thì ông Hải cũng có thể không có nghĩa vụ phải thông báo cho người đã chuyển giao số tiền đó.
Về nguyên tắc tiền, tài sản thuộc sở hữu của ai thì người đó có quyền quyết định. Phần lớn người mang tài sản đi tặng cho, từ thiện họ không mảy may suy nghĩ, không đòi hỏi khắt khe.
Ông Đoàn Ngọc Hải (50 tuổi, quê quán huyện Thanh Trì, Hà Nội); trình độ chuyên môn thạc sĩ chính trị, cử nhân luật, cử nhân kinh tế, cử nhân xã hội học; trước khi làm Phó chủ tịch UBND Quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) đã làm ở Quận ủy và UBND Quận 1, Bí thư và Chủ tịch UBND Phường Cầu Ông Lãnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Quận 1. |
Theo Dân việt