Theo tôi, quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” đang dần lỗi thời.

Lâu nay, cũng như nhiều người Việt khác, tôi có suy nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Theo đó, khi cha mẹ về già, con cái phải đảm đương kinh tế chính trong gia đình và chăm sóc, báo hiếu cha mẹ. Cha mẹ đau ốm, khổ sở và bệnh tật là lỗi của các con.

Nhưng một người phụ nữ ở Anh xuất hiện đã làm thay đổi suy nghĩ của cả gia đình tôi.

Sinh ra và lớn lên ở quê, 18 tuổi, tôi ra Hà Nội học tập, đi làm và lập gia đình. Dù việc sinh nhai tại thủ đô rất thuận lợi, các con được hưởng những điều tốt nhất về về y tế, học hành… nhưng lòng tôi vẫn không vui.

Bởi là con trai duy nhất trong nhà, việc rời xa cha mẹ ở quê đi lập nghiệp ở nơi khác, tôi thấy mình thật có lỗi.

Những năm tháng cha mẹ về già, đáng ra tôi phải ở cạnh để bầu bạn, thăm nom. Dù thường xuyên gửi tiền, thực phẩm, thuốc bổ… về quê nhưng tôi vẫn thấy mình chưa làm tròn chữ hiếu.

Cha mẹ tôi cũng thường gọi điện trách và ngỏ ý muốn thời gian tới, tôi chuyển về quê để ông bà được gần con gần cháu. Trong khi vợ tôi lại không đồng ý, cô ấy muốn sống tại Hà Nội. Vì việc này, chúng tôi cãi nhau rất nhiều lần.

Con cái không phải là tấm 'thẻ bảo hiểm’ lúc cha mẹ về già
Ảnh

Năm ngoái, gia đình tôi đón một vị khách là bà A. (60 tuổi, người Anh) đến chơi. Bà là người bạn của vợ tôi từ trước. Gần đây, bà có nhu cầu đi du lịch sang Việt Nam nên vợ tôi mời bà đến nhà. Sự phóng khoáng, quan điểm cởi mở của bà đã làm thay đổi nhiều suy nghĩ trong tôi.

Bà A. vốn là một giáo viên dạy âm nhạc. Bà lập gia đình và có 2 con gái. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, bà ly hôn và nuôi 2 con. Hiện, 2 con bà đều ra nước ngoài để theo học các chuyên ngành mình yêu thích.

Bà A. sau khi nghỉ hưu đã vạch cho mình rất nhiều dự định. Bà nói, thời trẻ bà rất thích đi du lịch khắp nơi trên thế giới nhưng bận nuôi con và kinh phí chưa cho phép nên bà đã chuẩn bị một khoản tiết kiệm.

Sau này khi về già, bà sẽ dùng khoản tiền này làm những việc mà ngày trước mình chưa có cơ hội.

Vì vậy, các con vừa ra khỏi nhà, bà A. cũng lên đường. Trước khi đến Việt Nam, bà đã sang rất nhiều quốc gia khác.

1 tuần ở nhà tôi, bà khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bà rất thành thạo về công nghệ, các kỹ năng sống. Đến một thành phố lạ nhưng bà biết dùng các tiện ích như xe ôm công nghệ, gọi đồ ăn giao tận nhà… dù không biết một chữ tiếng Việt nào.

Trong sinh hoạt hằng ngày bà cũng rất chủ động. Bà có thể tự nấu nướng, giặt giũ, sống rất hòa nhập với gia đình tôi dù là một thành viên mới.

Mỗi sáng sớm, khi chúng tôi còn đang ngủ thì bà đã chuẩn bị đi thăm các điểm nổi tiếng ở thành phố. Chỉ ở một thời gian ngắn, bà khám phá ra rất nhiều quán cà phê đẹp, độc vì bà thích uống cà phê – những quán này tôi sống ở Hà Nội hơn 10 năm chưa hề biết đến.

Vào mỗi tối, bà về nhà và ăn cơm cùng chúng tôi. Bữa ăn trở nên rôm rả vì bà kể chuyện những điều mà bà khám phá được trong ngày cho các con tôi bằng tiếng Anh.

Khi tôi hỏi về gia đình, bà cho biết, các con rất ủng hộ chuyến đi của bà. Bà cũng chia sẻ, sau này khi không còn có thể đi được, bà sẽ vào sống tại một viện dưỡng lão ở Anh. Bà đã có một khoản tiết kiệm cho việc đó.

“Sao bà không sống cùng các con?”, vì không giỏi tiếng Anh nên tôi đành nhờ vợ phiên dịch.

Bà trả lời: “Chúng tôi rất yêu nhau nhưng sẽ không sống cùng nhau. Các con có cuộc đời riêng của mình. Chúng tôi sẽ thống nhất gặp nhau vào các dịp giáng sinh hay một kỳ nghỉ nào đó”.

Câu chuyện của người phụ nữ Anh đã cho tôi nhiều suy nghĩ. Vì có người mẹ tự lập, tự chủ nên các con của bà thoải mái chọn học ở các nước xa gia đình.

Họ cũng không bị chữ “báo hiếu” níu kéo suốt phần đời còn lại. Với sự chuẩn bị từ trước, bà A cũng có cuộc sống về già vô cùng thú vị.

Nếu sau này, tôi cũng ép các con tôi phải gần gũi, chăm sóc cha mẹ, tôi có thể vui lòng nhưng tước bỏ đi nhiều cơ hội của các con.

Vì vậy, các bậc phụ huynh chúng ta hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật tốt để đón tuổi già. Đừng lấy con cái làm “thẻ bảo hiểm” khi một ngày, chúng ta sang tuổi xế chiều.

Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Làm thế nào để về già được sống tự do, hạnh phúc, bớt phụ thuộc con cháu? Hãy gửi cho chúng tôi suy nghĩ của bạn bằng cách viết vào phần bình luận phía cuối bài hoặc gửi về địa chỉ mail: bandoisong@vietnamnet.vn. Những ý kiến hay sẽ được biên tập và đăng tải trên mục Đời sống của báo. Trân trọng cảm ơn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : an sinhchăm sóc người giàcon cáidạy conkinh nghiệm

Các tin liên quan đến bài viết