Thời điểm “bão giá” lợn, lão nông người Cao Lan Hoàng Văn Chung bị khủng hoảng vì ngày nào cũng có chủ nợ đến canh cửa đòi tiền. Song, 2 năm nay, ông lại trúng lớn, thu lãi khoảng 11 tỷ đồng mỗi năm nhờ vào chăn nuôi con lợn.

Sáng đầu tuần khá thảnh thơi, lợn vừa xuất bán xong, ông Hoàng Văn Chung – người dân tộc Cao Lan ở thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương (Sơn Dương, Tuyên Quang) – ngồi khoe, trang trại của ông chăn nuôi an toàn sinh học, 5 dãy chuồng trại rộng 3.000 m2 thẳng tắp. Hệ thống chăn nuôi tự động và khép kín, tách biệt hoàn toàn với khu cư dân sinh sống nên công tác phòng dịch tả lợn châu Phi luôn được đảm bảo tốt.

Nhờ vậy, 2 năm trở lại đây, đàn lợn 1.600 con cả lợn nái và lợn thương phẩm của ông đều an toàn, cho xuất chuồng gần 250 tấn lợn hơi mỗi năm. Kể từ đầu năm 2020, ông đã xuất bán được khoảng hơn 160 tấn lợn hơi thương phẩm.

“Sau khủng hoảng giá, khủng hoảng dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá lợn vọt tăng cao. Thế nên trừ đi chi phí, năm ngoái tôi trúng đậm, năm nay lãi khoảng 10-11 tỷ đồng”, ông tiết lộ.

Song, để có được thành quả như ngày hôm nay, ông Chung cũng trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là thời kỳ “bão giá” lợn.

Trúng lớn 11 tỷ/năm, ám ảnh những ngày chủ nợ canh cửa đòi tiền
10 năm nuôi lợn, trải qua hết “bão giá” rồi đến đại dịch nhưng trang trại lợn ông Chung quy mô ngày càng lớn

Ông Chung kể, ông sinh ra ở vùng quê nghèo, bố mẹ làm nông nên cuộc luôn túng thiếu. Khi lập gia đình, vợ chồng ông chuyển ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Lúc ấy, ông phải phiêu bạt khắp các tỉnh thành phía Bắc để mưu sinh. Tới Hưng Yên, ông xin được làm công nhân trong một trang trại chăn nuôi lợn khép kín với mức lương bèo bọt chỉ 2,5-3 triệu đồng/tháng, nhưng đổi lại ông học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi con lợn sinh sản và nuôi thương phẩm.

Sau gần 10 năm làm việc ở trang trại chăn nuôi này, thấy chủ trang trại thu lãi rất nhiều, ông bèn về bàn với vợ đầu tư tiền nuôi con lợn với hy vọng cuộc sống ổn định, không còn phải nay đây mai đó.

Quyết định vậy, năm 2010 vợ chồng ông bán 0,5ha mía của gia đình, gom hết tiền của trong nhà xây chuồng trại và tậu được 5 con lợn nái về nuôi. Lợn sinh sản đến đâu để nuôi đến đó.

Hai năm sau, để mở rộng quy mô chăn nuôi, ông vay thêm 100 triệu đồng, bán hết đàn trâu bò, xe máy rồi đến đồ đạc trong nhà, thứ nào có giá đều đem bán sạch. Gom góp được tổng cộng 250 triệu đồng, ông đem dựng thêm chuồng trại, mua thêm 50 con lợn nái, đàn lợn thịt cũng tăng lên 400 con.

Một năm sau khi mở rộng quy mô đàn bắt đầu có lãi. Nhưng lãi thu được bao nhiêu ông đồn hết vào con lợn, tăng đàn, mở rộng trang trại. Năm 2014, ông còn vay thêm 500 triệu đồng để xây dựng quy mô trại chăn nuôi lợn lên 2.000 mét vuông, mua thêm lợn về nuôi.

Thế nhưng, vừa trả hết khoản nợ vay trước đó, năm 2017 ông đối diện với tình trạng “bão giá” lợn. Lợn hơi xuất chuồng khi đó giá chỉ còn 16.000 đồng/kg nên càng nuôi càng lỗ nặng.

Trúng lớn 11 tỷ/năm, ám ảnh những ngày chủ nợ canh cửa đòi tiền
Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, mỗi năm ông Chung xuất bán khoảng 250 tấn lợn hơi, thu lãi cả chục tỷ đồng

Đàn lợn lúc đó lên tới 800 con, mỗi ngày tiền thức ăn hết 15-16 triệu đồng. Vợ chồng ông rơi vào khủng hoảng, nợ vay để duy trì đàn lợn đã lên tới 3,2 tỷ đồng.

Năm 2017 có thể nói là thời kỳ đen tối nhất của ông. Ngồi tính bán hết đàn lợn, bán cả chuồng trại, nhà cửa cũng không đủ tiền trả khoản nợ đã vay. Chủ nợ (hàng cám) thì cho người đến canh tận cửa, bán được con lợn nào họ thu tiền luôn từng đó. Tiền cám nợ đại lý nhiều, họ còn không muốn bán tiếp, ông phải chạy vạy xin mua hết cửa hàng này đến cửa hàng khác.

“Có những lúc vợ chồng tôi còn ngại ra ngoài vì bị đòi nợ nhiều quá. Nhưng nghĩ bán đàn lợn đi thì lại quay về hai bàn tay trắng, rồi tiếc công sức bao nhiêu năm. Do đó, tôi quyết định giữ đàn lợn lại nuôi tiếp, không bán phá đàn, thức ăn cho lợn cắt giảm bớt 50% nhằm giảm chi phí”, ông nói. Đàn lợn đói kêu cả ngày, ông cũng xót ruột nhưng phải cố chịu.

Cơn “bão giá” qua đi, năm 2018, giá lợn bật tăng trở lại, người chăn nuôi như ông bắt đầu thu lãi. Song, cuối năm đó, dịch lở mồm long móng bùng phát, giá lợn lại lao dốc khiếm ông thót tim, chỉ sợ lại rơi vào khủng hoảng giá như năm trước đó. Cũng may, giá lợn giảm nhưng vẫn hoà gốc, chưa đến mức lỗ nặng.

Tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan nhanh chóng, ông như ngồi trên đống lửa vì chỉ sợ đàn lợn dính dịch phải tiêu huỷ thì mất hết.

Ông Chung nhớ lại, lúc cao điểm bùng phát dịch, trang trại của ông gần như “đóng cửa” với thế giới. Vợ chồng ông và công nhân làm việc đều ăn ở luôn trong trại, gần như không bước chân ra ngoài, trừ khi có việc khẩn cấp. Xe cộ ra vào chạy đều được phun khử trùng, chuồng trại luôn duy trì phòng dịch nghiêm ngặt.

“Năm ngoái thì chỉ lo lợn bị bệnh, chứ giá lợn thì không lo lắm, bởi giá xuống thấp chỉ trong vòng 2-3 tháng sau đó lại tăng mạnh”, ông tâm sự.

Bảo được đàn lợn 1.600 con, giá lợn lại tăng cao ngất ngưởng nên năm ngoái và năm ông nay trúng đậm chưa từng có. Ông tiết lộ, nợ đã trả hết, vừa rồi ông còn tậu thêm 2ha đất để xây chuồng trại mở rộng quy mô đàn.

“Tôi dự kiến nuôi khoảng 500 lợn nái, lợn thương phẩm khoảng 5.000-6.000 con. Tiền đầu tư hết vài tỷ đồng chứ không ít, song lần này có vốn sẵn, không phải đi vay. Tôi cũng có kinh nghiệm làm trang trại khép kín, kiểm soát dịch bệnh tốt”, ông Chung chia sẻ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chăn nuôichủ nợdịch tả lợn châu phiĐỔI TIỀN

Các tin liên quan đến bài viết