Theo Politico, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang cố gắng chiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Động thái mới nhất của Anh có nguy cơ làm tổn hại mối quan hệ với Mỹ, và thu hẹp cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai nước sau khi Anh chính thức rời khỏi EU (Brexit).
Anh đang cố gắng chiếm lợi thế trong bối cảnh xuất hiện nhiều bế tắc trong các cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại trong tương lai, bằng việc đưa ra dự luật về thị trường nội địa hôm 9/9, với mục đích chuyển giao quyền quản lý một số lĩnh vực thuộc EU về Chính phủ Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Đáng chú ý, những thay đổi trong cách thức tiến hành kiểm tra biên giới có trong dự luật này sẽ phá vỡ những quy ước trong Hiệp định Belfast, một bộ các thỏa thuận được ký giữa Chính phủ Anh và Ireland, cũng như các đảng chính trị lớn ở Bắc Ireland vào ngày Thứ Sáu Tuần thánh 10/4/1998. Đây được xem là một diễn biến chính trị lớn trong tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland.
Hiệp định này được xem như một trong những thành tựu đối ngoại của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đã thúc đẩy việc thông qua một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ tại Bắc Ireland. Dù bất đồng gay gắt trong một số chính sách, song lưỡng đảng tại Mỹ đều thống nhất trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của hiệp định.
Vào tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí việc kêu gọi nước Anh tuân thủ một cách nghiêm ngặt các điều khoản của hiệp định trong các vòng đàm phán Brexit, “nhằm đảm bảo nền hòa bình lâu dài tại khu vực Bắc Ireland”.
Vì thế, một số nhà lập pháp Mỹ, trong đó có ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden, đều bày tỏ quan ngại rằng bất kỳ động thái nào gây tổn hại đến Hiệp định Belfast sẽ đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến “mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh.
Trên Twitter cá nhân hôm 8/9, Antony Blinken, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Joe Biden, cho biết cựu Phó Tổng thống Mỹ “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Bắc Ireland”, đồng thời khẳng định bất kỳ thay đổi nào trong mối quan hệ giữa EU và Anh đều phải đảm bảo tính toàn vẹn của hiệp định, ngăn chặn việc phục hồi một đường biên giới cứng trên đảo Ireland.
Thomas Wright, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Brookings, vào tháng trước đã viết rằng sự can thiệp của Anh vào hiệp định sẽ “làm giảm thiểu hy vọng về một sự gắn bó chặt chẽ hơn với Mỹ”, nhất là trong trường hợp ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Động thái của Chính phủ Anh cũng gây phản ứng dữ dội từ các thành viên cấp cao trong Quốc hội Mỹ.
Hôm 9/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tuyên bố sẽ không thông qua một thỏa thuận thương mại với nước Anh, nếu London phá vỡ bất kỳ điều khoản nào trong thỏa thuận Brexit về vấn đề biên giới tại Ireland.
Bà Pelosi cho biết, Hiệp định Belfast là nền tảng của hòa bình ở Bắc Ireland. Nếu quá trình Brexit của Anh vi phạm hoặc làm suy yếu thỏa thuận trên, sẽ không còn cơ hội để một thỏa thuận thương mại Mỹ – Anh được thông qua tại Quốc hội nước này.
Còn trong một tuyên bố hôm 8/9, ông Richard Neal, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ thuộc Hạ viện Mỹ, kêu gọi cả hai bên duy trì các điều khoản của Hiệp định Belfast, đặc biệt là việc đối xử với Bắc Ireland sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo nhận định từ tác giả Mike Buckley của tờ Byline Times, nếu Thủ tướng Boris Johnson không chịu nhượng bộ về vấn đề Brexit, ông sẽ không chỉ chấm dứt mọi hy vọng về một thỏa thuận thương mại mới với EU, mà còn khiến thỏa thuận thương mại với Mỹ trở nên khó khăn hơn, và khiến chính phủ nhiều nước trên thế giới mất lòng tin vào những lời nói của ông.
Nghiệm trọng hơn, Thủ tướng Johnson có thể đẩy nền hòa bình trên đảo Ireland vào tình trạng nguy hiểm lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Nguồn: vietnamnet