Những năm qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, sản xuất – kinh doanh, đảm bảo quốc phòng – an ninh, Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16) còn ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ đồng bào Mông. Đến nay, hơn 500 hộ người Mông đều có nhà ở, đất sản xuất, việc làm ổn định, con em được học hành, chăm sóc sức khỏe.

ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC

Anh Lý Văn Sành (SN 1987) ở tỉnh Lào Cai cùng anh trai vào Tây Nguyên làm thuê trong thời gian dài nhưng không ổn định. Năm 2002, gia đình anh được Trung đoàn 720 đưa về định cư tại khu kinh tế – quốc phòng thuộc Đội sản xuất 6, bản Giang Châu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông thì cuộc sống mới ổn định và phát triển. Năm 2004, anh cưới vợ rồi ra ở riêng và được trung đoàn cấp 1,5 ha đất trồng cà phê. Nhờ được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nên năng suất cà phê tăng cao, hiện đạt 4 tấn nhân khô/1,5 ha. Từ nguồn thu này, gia đình anh tích góp mua 2 ha đất trồng tiêu kết hợp xen cà phê vối. Ngoài ra, hộ anh còn nhận trồng khoán 2 ha cao su của đơn vị, vườn cây đang thời kỳ kiến thiết cơ bản. Sau 15 năm được trung đoàn đưa về định cư, gia đình anh đã có 3,5 ha đất trồng các loại cây, sau khi trừ chi phí thu gần 300 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi 4 con ăn học, anh còn sắm máy cày 200 triệu đồng phục vụ sản xuất, 3 xe máy trị giá khoảng 100 triệu đồng và nhiều vật dụng khác. “Trước đây cuộc sống khổ lắm nhưng nhờ Trung đoàn 720 giúp đỡ nên gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay” – anh Sành nói. Già làng Giàng A Lừ cho biết: Bản Giang Châu có 180 hộ, trong đó 100% là người Mông được bộ đội đưa về sinh sống, lập nghiệp. Về vùng đất này, mỗi hộ được cấp 1 ha đất trồng cà phê, tiêu và 0,5 ha đất trồng lúa nước. Đến nay, cuộc sống đồng bào đã ổn định, kinh tế phát triển.

Đoàn công tác của Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ làm trưởng đoàn trong chuyến thăm và làm việc với Trung đoàn 720 đã đến thăm hỏi, động viên, nói chuyện với đồng bào Mông ở bản Sín Chải

Đường vào bản Si Át dù còn đường đất nhưng được san lấp bằng phẳng, rộng thênh thang, tạo điều kiện cho các phương tiện, người dân đi lại thuận lợi. Dù ở xa trung tâm xã Đắk Ngo nhưng Si Át đã có điểm trường mầm non, tiểu học, THCS và 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Trưởng bản Sùng A Của cho biết: Bản có 164 hộ, trong đó 120 hộ là người Mông. Được Trung đoàn 720 quan tâm, hỗ trợ nên cuộc sống bà con đã ổn định. Hiện có nhiều hộ khá, giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong bản hiện 6 hộ có ôtô, 7 hộ có xe máy cày. Giàu nhất là hộ ông Vàng Vả Nhề (SN 1975) thu lời khoảng 500 triệu đồng/năm từ 4 ha cà phê, tiêu. Tuy nhiên, bản vẫn còn nhiều hộ khó khăn do sinh con đông, có hộ từ 10-12 con. Đây là vấn đề nhức nhối tại bản nhưng chưa tìm được giải pháp khắc phục.

MỘT CHÍNH SÁCH ĐẬM TÍNH NHÂN VĂN

Đại úy Nguyễn Văn Thọ, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 720 cho biết: Năm 2002, trung đoàn tiếp nhận 312 hộ/1.986 người Mông ở Tây Nguyên, Bình Phước về sinh sống trong khu kinh tế – quốc phòng. Sau này hình thành nên 3 bản: Si Át, Giang Châu và Sín Chải. Ban đầu, đồng bào còn lo lắng, vì không biết cuộc sống ở vùng đất mới sẽ như thế nào, nhưng với sự vận động khéo léo cùng những việc làm thiết thực của bộ đội, người Mông ngày càng tin tưởng và an tâm định cư lâu dài. Với phương châm “An cư mới lạc nghiệp”, khi đồng bào mới về, đơn vị nuôi ăn ở, sinh hoạt miễn phí trong 12 tháng, đồng thời cấp mỗi hộ từ 400-500m2 đất thổ cư và dựng nhà ở. Sau đó, cấp mỗi hộ 1 ha đất sản xuất cùng các loại cây trồng, phân bón. Trung đoàn còn cử cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc cây trồng cho người dân nên năng suất đạt khá cao. Đồng bào yên tâm hơn khi các sản phẩm làm ra đều được đơn vị tìm thị trường tiêu thụ. Ngoài khuyến khích hàng trăm hộ người Mông nhận khoán vườn cây, năm 2015, đơn vị đã phối hợp với địa phương thu hồi, bàn giao 276,8 ha đất trồng lúa nước chia đều cho các hộ canh tác.

Không chỉ giúp phát triển kinh tế, trung đoàn đã đầu tư xây dựng mới 3 trường học, làm 10,4km đường bê tông, nhựa và xây dựng bệnh xá. Lực lượng quân dân y xuống tận nhà dân thăm khám mỗi khi trong bản có người đau ốm. Từ 312 hộ người Mông ban đầu, đến nay tăng lên 515 hộ/2.641 người. Trong đó, nhiều hộ khá, giàu thu lời từ 200-500 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, đời sống dân trí được nâng lên, phần lớn nam giới và phụ nữ trưởng thành biết tiếng Kinh, tham gia các hội, đoàn thể. Những tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ, tuy nhiên tình trạng tảo hôn và sinh đông con vẫn còn nhiều. Dù được đơn vị phối hợp chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn rất khó khăn. Đây là nhiệm vụ được đơn vị xác định là quan trọng và tiếp tục đẩy mạnh bằng nhiều hình thức trong thời gian tới.

Trung đoàn 720 thành lập năm 1999 với nhiệm vụ thực hiện dự án trên 15 thôn, bản của 4 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn ở 2 huyện Đắk R’lấp và Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Đơn vị hiện quản lý hơn 10 ngàn ha cây trồng các loại, trong đó cà phê vối 367,45 ha; điều cao sản 345,5 ha; cao su 211,21 ha… Năm 2016, doanh thu đạt 36,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016 và quý 1/2017, đơn vị làm 5km giao thông nội vùng, trị giá 400 triệu đồng; xây mới nhà chỉ huy trung đoàn diện tích 711m2và nhiều công trình, việc làm ý nghĩa khác.

Theo baobinhphuoc.com.vn

Từ khóa : binh đoàn 16Trung đoàn 720

Các tin liên quan đến bài viết