Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, khi triển khai thu phí không dừng cần tính toán kỹ lưỡng các phương án về tài chính, công nghệ, nhà cung cấp, “phải đúng, phải trúng, phải chặt” để tiến hành tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, bảo đảm không được xảy ra lãng phí, tham nhũng.

Ngày 9/9, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về đôn đốc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng hiện nay. Đây là cơ sở để Bộ GTVT triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng trong thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng yêu cầu không được xảy ra lãng phí, tham nhũng khi thu phí không dừng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp (Ảnh VGP).

Hiện nay, VEC đang quản lý 5 dự án cao tốc, các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT mà được hợp vốn từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước (Chính phủ vay ODA và cấp phát, vốn đối ứng), vốn do VEC vay lại và vốn chủ sở hữu. Hiện tại, VEC đang tổ chức vận hành, khai thác và thu phí 4 dự án, còn lại dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đang thi công.

Để thực hiện thu phí không dừng tại các dự án của VEC, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai theo hướng VEC đầu tư, vận hành hệ thống thiết bị tại trạm thu phí, kết nối với trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch thu phí không dừng được Bộ GTVT lựa chọn.

Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc nên tiến độ thực hiện không đáp ứng yêu cầu, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ các tồn tại vướng mắc.

Theo tính toán sơ bộ của VEC, để đầu tư và chuyển đổi toàn bộ hệ thống thu phí thủ công sang thu phí tự động không dừng đồng bộ cho tất cả các dự án (khoảng tổng số còn 395 làn), cần nguồn vốn đầu tư khoảng từ 800-900 tỷ đồng.

Ngoài các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn nêu trên, còn vướng mắc trong quá trình tổ chức điều hành thực hiện như việc đầu tư thu phí tự động không dừng là hình thức mới, phức tạp cả về công nghệ và thủ tục pháp lý trong khi các chủ thể tham gia thực hiện, quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt đối với các dự án có tính chất đặc thù như của VEC.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, trước đây, khi xây dựng các tuyến đường, chúng ta chưa tính đến việc thu phí tự động không dừng và áp dụng việc thu phí thủ công. Việc này ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện, gây ùn tắc tại các trạm thu phí, chưa công khai và minh bạch nguồn thu phí này với nhân dân.

Vì thế, việc Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định và chỉ thị về triển khai thu phí tự động không dừng là đúng đắn và cần thiết. Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg yêu cầu đến 31/12/2020, phải hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng, đây là yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, thực tế tình hình hiện nay cho thấy vẫn còn vướng mắc nhiều cơ chế về tài chính, công nghệ, đấu thầu, do đó, Bộ GTVT cần tính toán kỹ lưỡng các phương án về tài chính, công nghệ, nhà cung cấp, “phải đúng, phải trúng, phải chặt” để tiến hành tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, bảo đảm không được xảy ra lãng phí, tham nhũng khi thực hiện.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2020, các trạm thu phí dịch vụ đường bộ thủ công phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.

Đối với các trạm thu phí do VEC quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.

Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng nêu rõ: Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dừng theo quy định của Quyết định này.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh, Tổng công ty VEC là doanh nghiệp nên cần năng động theo cơ chế thị trường, không chỉ trông chờ vào nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Dân việt

Từ khóa : Bộ Giao thông vận tảiPhó thủ tướng thường trựcthu phí không dừngTrương Hòa BìnhỦy viên Bộ Chính trịVEC

Các tin liên quan đến bài viết