Chỉ trong 10 ngày (từ 25/7-3/8), Việt Nam đã phát hiện 195 ca Covid-19 trong cộng đồng, 6 ca tử vong. Các chuyên gia y tế đều nhận định, giai đoạn 4 của dịch Covid-19 tại Việt Nam nguy hiểm, phức tạp hơn hẳn những lần trước.

Lý giải về các yếu tố khiến dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đang rất nguy hiểm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích:

Thứ nhất là dịch đã lây lan trong cộng đồng. Do chúng ta chậm phát hiện, không khống chế được những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng nên đến giờ điều tra dịch tễ cũng chưa xác định được mức độ lây lan của bệnh dịch.

Thứ hai  là dịch Covid-19 lần này tấn công mạnh vào các bệnh nhân, thậm chí là nhóm bệnh nhân cao tuổi, đang phải cấp cứu vì nhiều bệnh hiểm nghèo, nhiều bệnh lý nền, sức đề kháng yếu như suy thận nặng, chạy thận nhân tạo, ung thư, suy tim, đái tháo đường… Đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nếu mắc thêm Covid-19. Điều này lý giải vì sao trong thời gian ngắn đã có 6 bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Thứ ba là dịch đang tấn công vào nhóm nhân viên y tế. Đã có 8 nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Cẩn phải khẩn trương kiểm soát, tránh nhiễm chéo trong nhân viên y tế vì nếu bác sĩ bị nhiễm bệnh thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Giai đoạn 4 của dịch Covid-19 tại Việt Nam nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

 

Từ ngày 25/7 đến hết ngày 3/8, cả nước khi nhận 227 ca mắc Covid-19, trong đó có 195 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng. 9 tỉnh, TP đang có ca bệnh tại cộng đồng bao gồm:  Đà Nẵng (136 ca), Quảng Nam (40 ca), Đắk Lắk (3 ca), TP.Hồ Chí Minh (8 ca), Quảng Ngãi (3 ca), Hà Nội (2 ca), Thái Bình (1 ca), Đồng Nai (1 ca), Hà Nam (1 ca). Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng.

Giai đoạn 1 dịch Covid-19 tại Việt Nam là từ cuối tháng 1 khi có ca bệnh đầu tiên đến đầu tháng 3/2020: Giai đoạn này phần lớn các ca bệnh đều trở về (đến) từ Trung Quốc. Có 1 số ca bệnh lây lan ra cộng đồng mà tâm điểm là Sơn Lôi (Vĩnh Phúc).

Giai đoạn 2: Từ 9/3 khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội (BN17) đến 17/4. Giai đoạn này phức tạp hơn khi đã có sự lây lan ra cộng đồng ở nhiều tỉnh, đáng kể như Hà Nội, Bình Thuận, TP.HCM… Điểm nóng là ổ dịch lớn tại BV Bạch Mai với hơn 40 ca mắc và hơn 50.000 người phải truy vết. Tuy nhiên, chúng ta đã khống chế rất nhanh, mức độ lây lan cũng thấp.

Giai đoạn 3 của dịch là từ 17/4-24/7: Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng mà chỉ có các ca nhập cảnh được cách ly ngay khi xuống sân bay.

Giai đoạn 4: từ 25/7 trở lại đây với sự ghi nhận ca bệnh 416, cảnh báo sự quay lại của Covid-19 tại cộng đồng. Đến nay, trong vòng 10 ngày đã có 195 ca bệnh trong cộng đồng được phát hiện đều liên quan đến Đà Nẵng, 6 ca tử vong. Điểm nóng là tại Đà Nẵng với 136 ca…

Trong số 195 bệnh nhân vừa mới phát hiện đã có 6 bệnh nhân Covid-19 tử vong (BN428, BN437, BN499, BN475, BN429, BN524). Đây đều là những bệnh nhân cao tuổi đang được cấp cứu, hồi sức tích cực tại BV Đà Nẵng với nhiều bệnh lý nền nặng, suy kiệt như ung thư, suy thận giai đoạn cuối, suy tim, đái tháo đường… Việc nhiễm thêm Covid-19 khiến họ càng kiệt sức, không chống chọi lại được bệnh tật.

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 ỏ Việt Nam hiện nay, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tốc độ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 lần này nhanh hơn, hệ số lây nhiễm cao hơn 6-10 (1 người có thể lây sang 6-10 người), trong khi tại BV Bạch Mai trước đây chỉ có hệ số 1,8-2,2.

Theo GS Long, dịch bệnh tại Đà Nẵng đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm, có thể xuất hiện từ đầu tháng 7 nên giờ việc truy tìm F0 (ca bệnh đầu tiên) là không khả thi.

Tối 3/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công điện số 1212/CĐ-BYT ngày 3/8 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Công điện của Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực phòng chống dịch Covid-19. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tình hình bệnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp; đã có trường hợp lây nhiễm từ người bệnh sang người bệnh, nhân viên y tế, người nhà, người chăm sóc người bệnh.

Bệnh dịch Covid-19 càng trở nên nguy hiểm khi lây sang những người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm theo, đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo…

Do đó, Quyền Bộ trưởng đề nghị các tỉnh khẩn trương rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất;

Thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế tối đa người nhà chăm sóc người bệnh, tạo môi trường thoáng khí cho các buồng bệnh. Thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện tại các đơn vị cấp cứu và hồi sức tích cực.

Đồng thời tổ chức rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn tối đa, phòng chống lây nhiễm cho toàn bộ những người bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Sàng lọc kỹ lưỡng toàn bộ người bệnh đang điều trị tại các khoa lâm sàng, thực hiện cách ly tại khu vực riêng và chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 theo quy định.

Thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn, tối đa không quá 03 tháng cho tất cả các đối tượng…

Mới ghi nhận 20 ca mắc Covid-19 trong số 219 công dân về từ Guinea Xích Đạo

“Sau khi tiến hành xét nghiệm lại toàn bộ công dân chỉ mới ghi nhận 20 ca dương tính virus SARS-CoV-2. Về tình hình của 9 bệnh nhân có diễn biến phức tạp trong đoàn, trong đó 6 người có dấu hiệu tổn thương phổi và 3 người đồng nhiễm Covid-19 và sốt rét. Tuy nhiên, 9 ca bệnh này đều có tiến triển tốt” – bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.

Theo Dân việt

Từ khóa : bệnh hiểm nghèobệnh nhân cao tuổicovid-19 ở đà nẵngnguy cơ lây nhiễmnguy cơ tử vongsức đề kháng

Các tin liên quan đến bài viết