Từ ngày 20-5, hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ sẽ phải chịu mức phạt 20-30 triệu đồng.
Bơm nước vào heo bị phạt đến 30 triệu đồng
Bơm nước vào heo để tăng trọng lượng khi bán là hành vi bị phạt nặng

Tuổi Trẻ giới thiệu các quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thú y, giao thông… bắt đầu có hiệu lực thi hành trong tháng 5.

Kinh doanh động vật chứa chất cấm, phạt 40-50 triệu đồng
Theo nghị định 41/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi… có hiệu lực từ 20-5), hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ và vào sản phẩm động vật làm mất vệ sinh sẽ phải chịu mức phạt tăng gấp 4-5 lần: từ 5-6 triệu đồng lên đến 20-30 triệu đồng, theo quy định tại nghị định 41/2017. Người vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ động vật hoặc sản phẩm động vật chứa chất cấm bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng, tăng 4 lần so với mức hiện hành 10-15 triệu đồng.

 Không tiêm phòng dại cho chó phạt 3 triệu đồng

Cũng theo nghị định này, chủ vật nuôi trên cạn nếu không thực hiện việc phòng bệnh bằng văcxin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật nuôi sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng. Ngoài ra, họ cũng sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng nếu: vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường; không chấp hành việc tiêm phòng văcxin dại cho chó nuôi; sử dụng thuốc thú y không có trong danh mục thuốc thú y được cấp phép lưu hành.

Trả phí đường bộ không cần dừng xe
 Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động (có hiệu lực thi hành từ 15-5) quy định các phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả phí sử dụng đường bộ bằng các hình thức sau: chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng, sử dụng thẻ cào để nộp tiền qua tin nhắn điện thoại hoặc trang thông tin điện tử của nhà cung cấp dịch vụ thu giá, nộp trực tiếp bằng tiền mặt tại các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền, thông qua đơn vị trung gian thanh toán…
Ghi hình vi phạm giao thông phải rõ ngày, tháng
Để phục vụ việc xác định vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cơ quan chức năng có quyền sử dụng thiết bị ghi hình là máy chụp ảnh, máy ghi hình động (camera). Thông tư 06/2017 của Bộ GTVT (có hiệu lực từ ngày 1-5) yêu cầu thiết bị ghi hình khi chụp hình ảnh thực tế phải bảo đảm hình ảnh có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây và địa điểm chụp hình. Thiết bị ghi hình ảnh động (camera) khi ghi, thu hình ảnh thực tế, clip hình ảnh phải bảo đảm có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, địa điểm ghi, thu hình ảnh, clip. Trường hợp thiết bị ghi hình không có chức năng xác định địa điểm thì trong phiếu xác nhận kết quả ghi hình (do cơ quan chức năng cung cấp) phải ghi rõ địa điểm ghi hình.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bơm nướcghi hìnhhành viphạtphương tiệntrả phítriệu đồngvi phạm hành chính

Các tin liên quan đến bài viết