Những ngày qua, kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều tại khu dân cư, ký túc xá ở TP.HCM. Nhiều người bị bỏng rộp, viêm da vì tiếp xúc dịch tiết của chúng.

Kiến ba khoang tấn công khu dân cư, ký túc xá TP.HCM - Ảnh 1.

Kiến ba khoang xuất hiện dày đặc tại các phòng ở sinh viên thuộc ký túc xá khu B – ĐH Quốc gia TP.HCM 

Vùng da nào tiếp xúc dịch tiết của kiến ba khoang thì sẽ tổn thương vùng da đó. Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch thì vô tình làm dịch tiết dính vào nhiều vị trí khác trên cơ thể, gây viêm da lan tỏa.

TS ĐOÀN BÌNH MINH

TS Đoàn Bình Minh, phó viện trưởng Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TP.HCM (Bộ Y tế), cho hay kiến ba khoang không đốt hay cắn mà khi chúng ta tiếp xúc dịch tiết cơ thể của chúng (chất pederin – một chất độc gây rộp), dịch tiết này sẽ gây bỏng và viêm da…

Chi chít vết thương cũ, mới

Gần đây, nhiều sinh viên phản ảnh ký túc xá (KTX) khu B – Đại học Quốc gia TP.HCM xuất hiện kiến ba khoang, nhiều nhất là về đêm. Kiến ba khoang tập trung tại các bóng đèn, sau đó di chuyển đến giường chiếu, quần áo, khăn, mùng mền… Nếu vô tình tiếp xúc dịch tiết của chúng sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu, viêm da.

Cách đây khoảng 15 ngày, bạn N.T.Th. (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM) phát hiện vết thương do kiến ba khoang gây ra trên cánh tay, tuy nhiên vết thương cũ chưa lành thì lại tiếp tục xuất hiện vết thương mới nặng hơn.

Tương tự, bạn H.C. (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM) phát hiện vết thương có mủ nước trên vai kèm triệu chứng rát, nóng như bị bỏng và rất nhức do kiến ba khoang gây ra. C. cố gắng hạn chế không chạm vào vết thương, sau đó đến trạm y tế tại KTX khám và lấy thuốc về bôi.

Trung tâm quản lý KTX Đại học Quốc gia TP.HCM đã thông báo khuyến cáo các bạn sinh viên lưu ý phòng tránh kiến ba khoang, đồng thời tổ chức phát quang bụi rậm trong khuôn viên ký túc xá và phun thuốc diệt kiến.

Kiến ba khoang tấn công khu dân cư, ký túc xá TP.HCM - Ảnh 3.

Một sinh viên bị tổn thương da tại nhiều vị trí trên cơ thể do tiếp xúc dịch tiết kiến ba khoang 

Tăng đột biến, vì sao?

Theo Bệnh viện Da liễu TP.HCM, những ngày vừa qua, số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng (chủ yếu là kiến ba khoang) tăng đột biến, với 80 – 100 lượt/ngày. Trong khi đó những tháng trước hầu như không có ca nào.

BS Vũ Thị Phương Thảo (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho biết thường bệnh nhân đến khám da xuất hiện những mảng, sẩn hồng ban với chùm mụn nước, mụn mủ tại một hoặc nhiều vị trí vùng da hở trên cơ thể như: mặt, cổ, tay, chân…

Ông Đoàn Bình Minh cho biết thời gian gần đây TP.HCM đang vào mùa mưa, nhiều kiến ba khoang xuất hiện, xâm nhập vào các khu dân cư, KTX… gần cánh đồng lúa, bãi cỏ, vũng nước, công trình đang xây dựng dang dở.

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu trong hoạt động nông nghiệp và tốc độ đô thị hóa tại các vùng ven như Q.9, Q.7, huyện Hóc Môn, Củ Chi… khiến môi trường sống của côn trùng nói chung và kiến ba khoang nói riêng dần mất đi, buộc chúng phải xâm nhập vào các khu dân cư.

Vết thương dễ lan tỏa khắp người

BS Vũ Thị Phương Thảo lưu ý kiến ba khoang chứa dịch tiết độc nên tiếp xúc với da sẽ gây viêm da, bỏng da.

Về những mảng sẩn, hồng ban, mụn mủ… xuất hiện trên bề mặt da là phản ứng bình thường của cơ thể, tuyệt đối không nên sờ hoặc nặn vì rất dễ làm vết thương lan rộng và nhiễm trùng. Đối với những tổn thương khu trú một chỗ, chỉ cần rửa rạch, sau đó bôi thuốc tại chỗ.

Đối với trường hợp tổn thương lan rộng cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị hợp lý. Thời gian điều trị khoảng từ 7-10 ngày. Sau điều trị chỉ để lại vết thâm, khó hình thành vết sẹo (ngoại trừ cào gãi mạnh tay, gây tổn thương lớp hàng rào bảo vệ da).

Riêng một số người có cơ địa suy giảm hệ miễn dịch, nếu vết thương bị nhiễm trùng sẽ lâu lành hơn. Những người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm thì chỉ cần một lượng chất dị ứng rất nhỏ cũng đủ gây ra phản ứng rất nặng trên toàn thân.

Để phòng chống kiến ba khoang, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TP.HCM (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân có thể dùng đèn ánh sáng vàng vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng trắng.

Bên cạnh đó, cần ngủ trong màn, sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra – vào, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà.

Đối với những người làm vườn, đồng ruộng cần mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.

Cảnh giác viêm da do kiến ba khoang

kien ba khoang 2 3(read-only)

Vết bỏng do kiến ba khoang

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, kiến ba khoang gây viêm da mức độ từ nhẹ đến nặng, tùy theo lượng độc chất xâm nhập qua da. Tác nhân gây viêm da là độc chất trong dịch có trong thân kiến ba khoang, độc chất này gây ngứa rát, đỏ cộm, mụn nước nếu chúng ta đập kiến và làm thân kiến vỡ ra.

Nếu tay bị dính độc chất mà sờ vào mắt có thể gây bỏng mắt, nếu vùng tổn thương ở gần mắt, mắt có thể bị sưng.

Nếu có một con kiến ba khoang đang bò trên người bạn, hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi, hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này.

Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da, phải nhanh chóng rửa sạch da và đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bóng đákhu dân cưkiến ba khoangký túc xá

Các tin liên quan đến bài viết