Bệnh nhân tâm thần những lúc tỉnh táo hiền lành như đứa trẻ, nhưng khi cơn ập đến, họ có thể gây tổn thương người thân, thậm chí đuổi chém đội ngũ y bác sĩ.
Bị bệnh nhân đuổi chém
18 năm làm việc trong chuyên ngành tâm thần, bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng khoa Cấp tính nam (Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh) đã trải qua nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười khi điều trị cho bệnh nhân, đôi lúc nghĩ lại, anh vẫn thấy rùng mình.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng |
Bác sĩ Hùng còn nhớ như in, khoảng 2 năm trước, một bệnh nhân tâm thần tên Đ. dùng dao rượt đuổi các bác sĩ, y tá làm náo loạn cả bệnh viện, lần đó không ai bị thương nhưng cũng khiến mọi người khiếp sợ.
Trước khi nhập viện, Đ. bị mất chiếc điện thoại. Sau đó, Đ. đinh ninh những bác sĩ, y tá tại phòng đón tiếp lấy đồ của mình.
Sau vài ngày ở viện, Đ. giấu một con dao chạy đến phòng đón tiếp của bệnh viện tìm các bác sĩ, y tá để chém. May mắn, các bác sĩ chạy thoát, lực lượng công an được gọi đến hỗ trợ khống chế Đ. kịp thời.
Cách đây vài năm, lúc thăm khám cho bệnh nhân tên N. trú tại TP Hà Tĩnh, bác sĩ Hùng bất ngờ bị N. dùng chiếc cốc thủy tinh ném vào mặt. Chiếc cốc trúng vào phần trên mí mắt của bác sĩ Hùng khiến máu chảy rất nhiều.
Bác sĩ Trần Khắc Tới cho biết trong quá trình chăm sóc bệnh nhân không ít lần anh bị thương |
Với đội ngũ bác sĩ, y tá trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, việc họ bị bệnh nhân “hành hung” diễn ra như cơm bữa. Họ có thể nhận một bãi nước bọt bất cứ lúc nào khi bệnh nhân nổi cơn, hoặc bị tổn hại đến thể xác, tinh thần.
Bác sĩ Trần Khắc Tới, Khoa Cấp tính nam, kéo cánh tay áo phải lên cho tôi xem một vết thâm còn mới. Đó là vết cắn của một bệnh nhân trong khi bác sĩ Tới đang chăm chú đo huyết áp cho người này.
“Việc đội ngũ bác sĩ nhận những bãi nước bọt từ bệnh nhân, hoặc bị tổn thương đến tinh thần, thể xác đối với chúng tôi không phải là chuyện hiếm gặp”, bác sĩ Tới cười nói.
Nữ điều dưỡng Phùng Thị Thủy cũng không còn cảm giác sợ hãi khi đối diện với những lần lên cơn bất chợt của các bệnh nhân. Chị xem đó như một phần tất yếu trong công việc của mình.
“Không nên có cảm giác nặng nề, sợ hãi khi đối diện với họ. Đối diện với những cơn điên của họ, mình cần xử lý tình huống khéo léo, tránh làm bệnh nhân thêm giận dữ làm phức tạp tình hình”, điều dưỡng Thủy chia sẻ.
Bác sĩ Hùng chia sẻ thêm, trong cơn điên các bệnh nhân có thể gây hại cho y bác sĩ, nhưng khi mọi chuyện qua đi, họ tự cảm thấy xấu hổ và tìm đến những người bị họ làm tổn thương để gửi đến lời xin lỗi.
“Trong đời làm nghề tôi chưa bao giờ oán trách bệnh nhân của mình, ngay cả lúc họ đánh mình chảy máu. Ngược lại, nên thương cảm họ, động viên họ vượt qua. Họ là những người không may mắn, trong số họ, mỗi mảnh đời là một tấn bi kịch”, bác sĩ Hùng nói.
Nguy hiểm khi tự điều trị
Bác sĩ Hùng tâm sự, sau nhiều năm làm nghề, ông nhận ra để điều trị cho những bệnh nhân ở khu vực nông thôn, người nghèo luôn dễ dàng hơn khi điều trị cho những người thành phố.
Nữ điều dưỡng Phùng Thị Thủy đang chăm sóc bệnh nhân
Bác sĩ Hùng tiết lộ, đối với những người ở nông thôn, hiểu biết có hạn chế, họ không có cảm giác bị kỳ thị hoặc xấu hổ khi con em, người thân của mình mắc bệnh tâm thần. Thậm chí, họ luôn tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, hợp tác với bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân.
Ngược lại, với người bệnh ở khu vực thành thị hoặc con của những người có chút địa vị, gia đình thường có cảm giác mặc cảm, xấu hổ khi ai đó biết được người nhà của mình mắc bệnh. Do đó, mặc dù người thân có dấu hiệu bệnh, họ không dám đưa đến bệnh viện để điều trị.
“Nhiều gia đình vì mặc cảm nên khi con mình phát bệnh vẫn để ở nhà rồi lên mạng tìm đọc thông tin, tự mua thuốc về cho con uống. Việc này rất nguy hiểm bởi mỗi bệnh nhân đều có biểu hiện bệnh khác nhau, phác đồ điều trị khác nhau”, bác sĩ Hùng nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trần Hậu Anh, Trưởng khoa Cấp tính nữ, cũng cho rằng, những người có dân trí thấp thường tuân thủ lộ trình khám chữa bệnh tại bệnh viện hơn số còn lại.
Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Tĩnh mỗi năm điều trị hàng trăm trường hợp bị bệnh |
Bộ phận dân trí cao đang có tình trạng “nếm thuốc – nếm thầy”, dù họ đang điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn tự ý mua thuốc bên ngoài để uống. Hoặc khi phát bệnh, họ không đến bệnh viện mà đi tìm thầy chữa bên ngoài, đến khi bệnh trở nặng mới nhập viện rất khó chữa. Việc này ảnh hưởng đến phác đồ điều trị của bệnh viện.
Bác sĩ Anh cho rằng, hiện vẫn còn quan điểm suy nghĩ coi trọng sức khỏe thể chất hơn là sức khỏe tâm thần.
“Có từ 70 tới 80% người dân xem trọng sức khỏe thể chất. Đơn cử như họ chỉ bị ho, cảm cúm thông thường cũng sẽ vội đi khám để lấy thuốc ngay. Trong khi đó, người mất ngủ triền miên, lo âu, có dấu hiệu trầm cảm nhưng vẫn không đi khám, bởi người dân luôn lo sợ hai chữ tâm thần“, bác sĩ Anh nói.
Nguồn: vietnamnet