Những năm qua, nhờ vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Ninh, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách của huyện có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống.

ĐỒNG HÀNH VỚI HỘ NGHÈO, GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH

Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định trong chu kỳ dài, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách ở huyện Lộc Ninh có điều kiện đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống, trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhằm phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, thời gian qua, ngân hàng đã chủ động cho vay theo địa bàn, tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, như: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên thực hiện ủy thác vay vốn. Đồng thời, thành lập các điểm giao dịch cố định tại 16 xã, thị trấn với 291 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận vốn.

Bà Phan Thị Tầm (bìa trái), Giám đốc NHCSXH đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Lâm Ôn

Có được vốn đã khó, nhưng để đồng vốn sinh lời lại càng khó hơn, nhất là đối với hộ nghèo, gia đình chính sách. Để tư vấn, hỗ trợ các hộ sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, NHCSXH huyện đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể huyện tổ chức các buổi phổ biến, hướng dẫn hộ vay vốn áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất – kinh doanh, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, từng bước phát huy hiệu quả vốn vay, nâng cao thu nhập.

Bà Phan Thị Tầm, Giám đốc ngân hàng cho biết: Tổng doanh số cho vay trong năm 2016 của ngân hàng đạt 75 tỷ 727 triệu đồng, tăng 11% so với năm trước với 4.601 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tính đến ngày 31-12-2016 đạt 251 tỷ 57 triệu đồng (chiếm 74% doanh số cho vay). Năm 2017, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung giải ngân vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Ngân hàng cũng sẽ đẩy nhanh hơn nữa giải ngân vốn cho vay đối với các đối tượng thụ hưởng, đồng thời phối hợp các tổ chức, đoàn thể, chính quyền trên địa bàn mở lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt để những hộ có hoàn cảnh khó khăn vừa vay được vốn vừa nắm phương thức phát triển sản xuất – kinh doanh hiệu quả.

VƯỢT KHÓ NHỜ VỐN VAY ƯU ĐÃI

Ông Lâm Ôn ở tổ 2, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh là hộ nghèo của xã cho biết: Năm 2013, từ vốn vay ưu đãi 15 triệu đồng dành cho hộ nghèo, gia đình đã đầu tư mua phân bón, cây giống và máy bơm phục vụ tưới tiêu. Đến nay, ngoài hơn 1 ha ruộng trồng lúa, vườn cây với 800 nọc tiêu, 7 sào cao su của gia đình đã bắt đầu cho thu nhập. Cuộc sống của gia đình dần ổn định và nuôi con gái đang học lớp 10.

Cũng vay vốn NHCSXH huyện để phát triển kinh tế, bà Võ Thị Ngọc Cúc ở tổ 4, ấp Quyết Thành, xã Lộc Khánh là điển hình thoát nghèo. Bà Cúc kể: Từ năm 2013 đến nay, tôi được NHCSXH huyện cho vay vốn 2 lần với tổng 70 triệu đồng. Nhờ số tiền này, tôi dành một phần sửa nhà ở, còn lại mua bò sinh sản và đầu tư buôn bán quần áo. Hiện bò của gia đình chuẩn bị sinh, còn việc buôn bán cũng thuận lợi nên bảo đảm thu nhập để nuôi 2 con ăn học và kinh tế dần ổn định.

“Lộc Ninh có 7 xã biên giới và phần lớn người dân ở đây có cuộc sống khó khăn nên rất cần vốn để phát triển kinh tế. Hiểu được điều đó nên thời gian qua, NHCSXH huyện luôn đồng hành với hộ nghèo, đối tượng chính sách. Với mong muốn là chỗ dựa tin cậy cho người dân, góp phần tích cực thay đổi nông thôn, NHCSXH huyện đã khai thác tối đa mọi nguồn vốn, giải ngân nhanh các chương trình cho vay, đưa đồng vốn đến hộ nghèo và gia đình chính sách. Được sự giúp đỡ, quan tâm sát sao của các cấp hội, đoàn thể nên hầu hết hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn 

Từ khóa : gia đình chính sãhshộ nghèokhoa học - kỹ thuậtNgân hàng chính sách xã hộivay vốn

Các tin liên quan đến bài viết