Trong tháng 6, ngành y tế ghi nhận 3 ổ bệnh bạch hầu tại các huyện Đắk Glong, Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, 9 ca bệnh tại Kon Tum và 1 trường hợp bệnh tại TP. Hồ Chí Minh. Bình Phước giáp ranh một trong 3 địa phương này và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh bạch hầu quay trở lại. Phóng viên (PV) Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về biện pháp, khuyến cáo để mỗi người dân tự phòng và bảo vệ bản thân trước căn bệnh này.
Người dân đưa trẻ đến tiêm phòng tại Phòng tiêm chủng Safpo 37
PV: Thưa bác sĩ, vừa qua bệnh bạch hầu đã xuất hiện trở lại ở khu vực Tây Nguyên, đồng thời tại TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận ca bệnh đầu tiên. Vậy những đối tượng nào dễ mắc bệnh này, dấu hiệu và mức độ nguy hiểm của bệnh ra sao, thưa bác sĩ?
Bác sĩ NGUYỄN VĂN SÁU: Theo số liệu của các tỉnh báo cáo, bệnh bạch hầu gặp chủ yếu ở người lớn và trẻ lớn. Đây là những đối tượng không được tiêm phòng vắc-xin phòng chống bệnh bạch hầu hoặc có thể đã tiêm phòng nhưng thời gian đã quá lâu, hệ miễn dịch của vắc-xin giảm mà không tiêm nhắc lại.
Bệnh bạch hầu xuất hiện với các triệu chứng là sốt, một số trường hợp sốt nhẹ, viêm đường hô hấp. Ngoài ra, khi bị bạch hầu họng và viêm amidan, bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện lớp giả mạc trắng, xanh bám chắc vào amidan. Biến chứng của bạch hầu tùy theo mức độ, nhẹ có thể gây liệt các cơ, đặc biệt là các cơ vòm họng, làm cho bệnh nhân khó nuốt, dễ bị sặc khi uống nước. Còn trường hợp nặng, có thể gây liệt các chi, rối loạn nhịp tim, thậm chí suy tim dẫn đến tử vong.
PV: Ngành y tế Bình Phước đã có những giải pháp gì để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu quay trở lại, thưa bác sĩ?
Bác sĩ NGUYỄN VĂN SÁU: Bình Phước tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh bạch hầu quay trở lại. Vì tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó một số nhóm đồng bào chưa tích cực tham gia tiêm chủng, vì vậy, miễn dịch trong cộng đồng chưa cao, dễ xuất hiện bệnh bạch hầu. Ngoài ra, năm 2016, tỉnh xảy ra ổ dịch bạch hầu tại huyện Đồng Phú và có trường hợp tử vong. Mặc dù đã xử lý ổ dịch này nhưng đây cũng là nguy cơ lây nhiễm nếu chúng ta không chủ động phòng tránh.
Để phòng bệnh bạch hầu, chúng tôi đã tăng cường chỉ đạo các trung tâm y tế thực hiện nghiêm công tác tiêm chủng, đảm bảo tất cả trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng phải được tiêm đủ mũi, đúng lịch. Đối với những trẻ dưới 1 tuổi, phải được tiêm đầy đủ 3 mũi vắc-xin 5 trong 1 vào các tháng thứ 2, 3 và 4. Đối với trẻ trên 18 tháng tuổi phải được tiêm nhắc lại để tạo miễn dịch cho trẻ được cao hơn. Đồng thời, trong chiến lược của tiêm chủng mở rộng quốc gia từ năm 2019, đối với trẻ trên 7 tuổi sẽ được tiêm tiếp vắc-xin Td gồm, bạch hầu và uốn ván để tăng cường phòng chống các bệnh này. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã chỉ đạo trung tâm y tế cấp huyện rà soát công tác tiêm chủng, tăng cường kiểm tra để đảm bảo trên 95% trẻ được tiêm chủng đầy đủ. Ngoài ra, đối với các trung tâm y tế hay cơ sở khám chữa bệnh, trong trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện có bệnh bạch hầu, cần báo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để chúng tôi phối hợp xét nghiệm. Trong trường hợp dương tính sẽ khoanh vùng, cách ly và xử lý kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.
PV: Bệnh bạch hầu vẫn có những nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu người dân chủ quan. Vậy theo bác sĩ, những việc người dân cần làm ngay để phòng chống bệnh là gì?
Bác sĩ NGUYỄN VĂN SÁU: Đối với các bậc phụ huynh và người dân nói chung, nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo khuyến cáo của ngành y tế đủ liều, đúng lịch. Đồng thời, đối với những chiến dịch sức khỏe triển khai tại địa phương, mọi người cần tham gia tích cực, qua đó tạo miễn dịch lớn nhất cho cộng đồng cũng như cho chính bản thân.
PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Theo Báo Bình Phước