Bộ trưởng LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho giáo viên các trường tư thục.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (2/7), Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh với tổng kinh phí là 17,5 nghìn tỷ đồng.

Cái được vô giá qua dịch Covid-19

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện giải ngân hơn 11.267 tỷ đồng.

Đề nghị Chính phủ bổ sung giáo viên trường tư được hưởng gói 62.000 tỷ
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, hiện có 1.519 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 138.076 người lao động, với tổng kinh phí gần 475,33 tỷ đồng.

Ngoài ra có hơn 531 nghìn người nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, chi 6.374 tỷ cho người lao động, 250 nghìn người bán vé xổ số được hỗ trợ trong thời gian qua.

Về thanh tra, kiểm tra giám sát, ông Dung cho biết, ngoài Thanh Hóa dừng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo để rà soát đối tượng, cả nước chỉ phát hiện có 3 thôn bản phát hiện có vi phạm đã xử lý nghiêm.

Theo Bộ trưởng, thông qua hỗ trợ này, quốc tế, trong nước, nhân dân ghi nhận ủng hộ, qua đó cho thấy niềm tin nhân dân vào Đảng, nhà nước, Chính phủ tăng lên.

“Đây là cái được vô giá. Theo tôi không cái gì hơn được cả. Không cái gì mua được bằng niềm tin thông qua việc này”, ông Dung nói.

Bộ trưởng cũng nêu khó khăn, đối tượng đa dạng, dễ trùng lắp, một số địa phương do sợ sai nên thận trọng chậm phê duyệt, chậm triển khai, giảm ý nghĩa tính chất, ý nghĩa hỗ trợ.

Một số địa phương khó khăn kinh phí nên phê duyệt rồi mà chưa hỗ trợ. Gói 16.000 tỷ do ngân hàng chính sách triển khai gặp khó khăn do tiêu chí quá cao.

Từ đó, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ đó là giáo viên các trường tư thục – những người này mất việc làm, ngừng việc làm nhưng chưa được hỗ trợ.

“Xin đề nghị mở rộng đối tượng này nhưng kinh phí vẫn nằm trong gói 62.000 tỷ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Ông cũng đề nghị cho điều chỉnh nới gói 16.000 tỷ cho vay trả lương…

Nêu ý kiến ngay sau báo cáo của Bộ trưởng LĐ-TB&XH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất điều chỉnh điều kiện doanh nghiệp nhận hỗ trợ gói 16.000 tỷ.

“Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo cái này. Chính phủ đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp, điều chỉnh một số tiêu chí trong gói 16.000 tỷ vay không lãi. Ngân sách vẫn ở mức độ đó (16.000 tỷ)”, Thủ tướng nói.

Tranh thủ thời cơ, phục hồi và phát triển nền kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến nay NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó 4,1 nghìn tỷ đồng chi cho công tác phòng chống dịch; chi hỗ trợ cho khoảng 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ 42 khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách Trung ương đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn…); xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.

Theo ông Dũng, đại dịch Covid-19 tác động lớn đến cân đối thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2020.

Trong 8 địa phương thu ngân sách dưới 40% dự toán có TP.HCM 39,3%; Đà Nẵng 37,7%; Quảng Ngãi 38,5%; Quảng Nam 31,2%; Khánh Hòa 35,4%; Hải Phòng 38,5%…

“Điều này cho thấy, tình hình hoạt động của DN thực sự gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng nhận định.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho hay, một kết quả nổi bật của Chính phủ trong 6 tháng qua là thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Lãnh đạo Chính phủ thực hiện nhiều hoạt động tri ân, “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và của Chính phủ về các chính sách xã hội. Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện chính sách xã hội.

Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tranh thủ thời cơ, phục hồi và phát triển nền kinh tế…

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bộ trưởng LĐ-TB&XHCOVID-19giáo viênThanh Hóa

Các tin liên quan đến bài viết