Du lịch vùng Đông Nam Bộ được ví von giống như một viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa do thiếu tính liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng.

Mài sáng viên ngọc thô Đông Nam Bộ để hút du khách - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo các tỉnh thành Đông Nam Bộ tham quan triển lãm đặc sản tại hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ 

Do đó, bản ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ ngày 28-6 được xác định sẽ tạo ra một công cụ chung, hướng đến xây dựng một thương hiệu du lịch mang dấu ấn của vùng, đa dạng sản phẩm, giữ chân du khách lâu hơn, và chi tiêu nhiều hơn.

Khi chúng ta muốn làm tốt hơn nhưng nguồn lực hạn chế thì sự đoàn kết chính là chiếc chìa khóa.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM)

Mỗi năm có thêm nhiều sản phẩm liên kết vùng mới

Chia sẻ tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch với chủ đề “Liên kết – Phát triển – Bền vững” được tổ chức tại Tây Ninh chiều 28-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng nhiều sản phẩm du lịch nức tiếng của Việt Nam đều đang ở vùng Đông Nam Bộ nhưng chúng đang phát triển một cách riêng lẻ khiến du lịch của toàn vùng giống như viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa xứng tầm, chưa được làm nổi bật.

Đưa ra hình ảnh ví von trên, ông Phong nhận định những lợi thế quý giá này là nền tảng quan trọng cho phát triển du lịch nếu 6 tỉnh, thành trong vùng quyết tâm thắt chặt mối liên kết hợp tác.

Hiện nay, ngành du lịch toàn vùng cũng đang đứng trước thách thức thay đổi cách thức tiếp cận nhằm phù hợp với giai đoạn mới sau dịch. Từ một khu vực đang giữ tốc độ phát triển ngành du lịch trên hai con số, như năm 2019 toàn vùng đã đón được 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,8% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 7 tỉ USD, thì hiện ngành du lịch của vùng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế của toàn vùng giảm mạnh, chỉ đạt 1,7 triệu lượt người, giảm đến 65% so với cùng kỳ. Ngành du lịch tập trung phát triển thị trường nội địa, đồng thời chuẩn bị cho thị trường du lịch quốc tế mở cửa vào thời điểm thích hợp”, ông Phong cho biết và nhấn mạnh sự cấp thiết của việc xây dựng các liên kết lúc này.

Theo đó, hợp tác của 6 tỉnh, địa phương lúc này là nhằm đề ra những chiến lược phát triển ngành du lịch của vùng trong giai đoạn bình thường mới cũng như đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa sự kết nối giữa các địa phương về phát triển du lịch, góp phần phục hồi ngành du lịch một cách nhanh nhất có thể.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, tại hội thảo “Phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ”, 9 doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm kích cầu du lịch với 20 đơn vị cung ứng dịch vụ tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Một khi đã phác thảo được các tour tuyến, cung đường liên tuyến mới, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch, phát triển theo nhiều chủ đề, đáp ứng đa dạng nhu cầu và thị hiếu của các phân khúc khách du lịch.

Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cho biết đơn vị sẽ phát triển ít nhất 3 tour mới liên quan Đông Nam Bộ mỗi năm, phối hợp, hỗ trợ cùng ngành du lịch Đông Nam Bộ nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng mới các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt phù hợp với từng phân khúc thị trường khách và theo xu hướng đi du lịch của thế giới.

“Chúng tôi đặt chỉ tiêu 1 năm phát triển ít nhất 3 tour mới liên quan Đông Nam Bộ, và bình quân hằng năm đưa khách đến Đông Nam Bộ tăng trên 10 – 20%”, ông Tài cho biết.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Việt Thanh, liên kết và hợp tác trong phát triển vùng là xu thế tất yếu và cấp thiết trong phát triển mọi lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa đến xã hội. Trong đó, liên kết phát triển bền vững du lịch là một trong những đòn bẩy quan trọng nằm trong chuỗi giá trị liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Ngay sau hội nghị này, Ban điều phối chung của vùng và mỗi một địa phương sẽ triển khai ngay các chương trình hành động, đưa các cam kết thành hiện thực”, ông Phạm Việt Thanh nói.

Mài sáng viên ngọc thô Đông Nam Bộ để hút du khách - Ảnh 3.

Lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố ký kết liên kết vùng Đông Nam Bộ phát triển du lịch

Đoàn kết để làm tốt hơn

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ký liên kết phát triển du lịch TP với 5 tỉnh là nguyện vọng rất lâu của TP, và hội thảo hôm nay góp phần cụ thể hóa nguyên tắc “khi chúng ta muốn làm tốt hơn nhưng nguồn lực hạn chế thì sự đoàn kết chính là chiếc chìa khóa”.

Ông Nhân nói liên kết vùng trước tiên phải tạo ra được những sản phẩm du lịch phong phú hơn. Nếu muốn làm một tour du lịch dài thì cần phải liên kết các sản phẩm ở nhiều điểm đến khác nhau, lúc đó tăng thêm cảm xúc cho du khách. Thông qua hợp tác liên kết này còn để các địa phương chuẩn hóa chất lượng mỗi điểm đến, đảm bảo sự tương đồng các điểm đến ở cùng mức chất lượng quốc tế.

Liên kết này cũng giúp các địa phương tăng hiệu quả quảng bá lên nhiều lần. Cuối cùng thông qua liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng, doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư có thể gặp nhau và xác định đầu tư một cách hợp lý, tạo nên một mạng lưới hạ tầng du lịch một cách hợp lý.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá việc các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ tổ chức ký kết liên tịch thể hiện tính sáng tạo, cùng quyết tâm vượt qua khó khăn của các địa phương trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Liên kết vùng sẽ khơi dậy được nguồn lực các địa phương, bổ trợ cho nhau trong giai đoạn tập trung phát triển thị trường nội địa.

“Việt Nam xác định phát triển du lịch bền vững là tất yếu và đang dần có những giải pháp hợp lý cân bằng giữa phát triển kinh tế và khai thác sự độc đáo, hoang sơ của thiên nhiên. Chúng ta cũng đang đưa số hóa vào phát triển du lịch, nếu làm tốt sẽ tạo sức sống mới cho ngành.

Trong xu thế đó, TP.HCM là đầu tàu của mô hình du lịch thông minh. Dù hiện nay, du lịch gặp nhiều khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại thị trường, xem xét sản phẩm du lịch phù hợp. Sự phối hợp, liên kết mang tính toàn vùng sẽ giúp các doanh nghiệp cùng nhau bước qua khúc quanh mà chưa biết sẽ kéo dài đến mức nào với sự tự tin cần thiết”, ông Vũ Đức Đam nhắn nhủ.

Bà Trần Nguyện (giám đốc kinh doanh Sun World – Sun Group):

Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

nguyen

Bà Trần Nguyện

Trước mắt, du lịch trong nước cần tập trung kích cầu du lịch nội địa tới vùng Đông Nam Bộ, khuyến khích doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, chất lượng, tạo giá trị gia tăng cho du khách khi tới điểm đến.

Dự kiến trong năm nay, chúng tôi sẽ góp thêm một điểm nhấn trên vùng Núi Bà linh thiêng. Tương lai, Tây Ninh sẽ có thêm vườn thượng uyển, công viên chủ đề, các khu nghỉ dưỡng, sân golf… tạo bệ phóng giúp du lịch và kinh tế địa phương.

Một vài sản phẩm liên kết có thể làm ngay đó là xây dựng các tour du lịch theo chủ đề và theo các hướng đa dạng như du lịch tâm linh, du lịch khám phá, du lịch học tập, du lịch trải nghiệm… Đặc biệt, hoàn toàn có thể liên kết xây dựng sản phẩm con đường di sản liên tỉnh Tây Ninh – Bình Dương – Đồng Nai… Con đường di sản xuyên biên giới từ TP.HCM đi Tây Ninh, sang Campuchia và ngược trở lại.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : du lịchdu lịch nội địakích cầu du lịchNam Bộphát triển du lịch

Các tin liên quan đến bài viết