Sau khi nhận được cái gật đầu của chuyên gia Nhật Bản, hôm nay, hệ thống khử trùng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản đã bắt đầu hoạt động, những lô vải thiều đầu tiên được đưa vào xử lý, sẵn sàng đến Nhật Bản trong một vài ngày tới.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Nhật Bản yêu cầu Việt Nam xử lý quả vải bằng Methyl Bromide, hệ thống có khả năng làm sạch 100% các đối tượng dịch bệnh. Tất cả các khâu, trang thiết bị và kỹ năng vận hành của Việt Nam đều đã đáp ứng, thậm chí vượt yêu cầu của chuyên gia Nhật Bản vừa kiểm định.

Đại diện Công ty XNK Toàn Cầu cho biết, vải được thu hái từ các vùng trồng đã được cấp mã, sau đó lựa chọn theo đúng kích thước, màu sắc, độ chín và đặc biệt là không được nứt vỏ. Tiếp theo, vải được ngâm nước lạnh 5-7 độ C trong 7 phút trước khi vào khu vực làm sạch.

Quá trình làm sạch được thực hiện bằng axit citric loãng (pH = 3) rồi đưa vào khu vực hong khô bằng gió trước khi đưa vào xông hơi, khử trùng bằng methyl bromide, quá trình này nhằm xử lý đối tượng kiểm dịch thực vật là ruồi đục quả.

Hôm nay, lô vải thiều đầu tiên được khử trùng, sẵn sàng bay sang Nhật Bản - Ảnh 1.

Hệ thống khử trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản được chuyên gia Nhật Bản giám sát kỹ và rất hài lòng vì đã vượt yêu cầu của họ.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32 g/m³ trong thời gian hai giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Hiện, mọi công đoạn kiểm tra của chuyên gia Nhật Bản đã hoàn tất, ngày hôm nay chúng tôi sẽ đưa lô vải thiều đầu tiên vào xử lý khử trùng theo đúng quy định của đối tác Nhật Bản, sẵn sàng chờ ngày xuất khẩu”.

Theo quy định của Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép nhập khẩu vào nước này.

Hôm nay, lô vải thiều đầu tiên được khử trùng, sẵn sàng bay sang Nhật Bản - Ảnh 2.

Hôm nay, những lô vải thiều đầu tiên đã được đưa vào xử lý khử trùng và được xuất khẩu sang Nhật Bản trong một vài ngày tới.

Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103 ha, sản lượng ước đạt 900 tấn.

Đoàn chuyên gia Nhật Bản kiểm tra xong tất cả các công đoạn xử lý vải thiều mà hai bên đã cam kết từ trước, đối chiếu từng phần việc một, đồng thời kiểm tra vận hành xem có đúng yêu cầu phía Nhật Bản đưa ra hay không.

Hôm nay, lô vải thiều đầu tiên được khử trùng, sẵn sàng bay sang Nhật Bản - Ảnh 3.

Trái vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, được lựa chọn kỹ càng.

Theo ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), hiện, vải thiều đang vào giai đoạn thu hoạch chính vụ. Ngoài các thương nhân Trung Quốc đang tích cực thu mua, việc vải thiều được xử lý, chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản cũng giúp giá thu mua vải tương đối ổn định, với mức giá bình quân 22.000 – 37.000 đồng/kg.

Từ khóa : giá vải thiềuthu mua vải thiều lục ngạn bắc giangtiêu thụ xuất khẩu vải thiềuxuất khẩu vải sang nhật bảnxuất khẩu vải thiều

Các tin liên quan đến bài viết