Ông Thân đến viện khám vì ho khan, khó thở, khi kiểm tra bác sĩ cho biết ông không chỉ mắc ung thư phổi mà còn mắc thêm ung thư tuyến tiền liệt.
GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc TT Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, trường hợp bệnh nhân mắc cùng lúc 2 loại ung thư không nhiều, nếu bị di căn lên não lại càng ít.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Phạm Văn Thân, 76 tuổi mắc cùng lúc ung thư phổi di căn não, xương và ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn.
Ông Thân chia sẻ, bản thân có tiền sử nghiện thuốc lá suốt 25 năm, nhưng 5 năm gần đây đã cai hẳn. Dù vậy, ông thấy cơ thể sụt cân nhanh, cao 1,56 m nhưng chỉ nặng 43 kg kèm theo khó thở, đau tức ngực, ho khan, tiểu rắt, thỉnh thoảng bí tiểu.
Khối u ở thùy giữa phổi kích cỡ 6×4 cm, đè đẩy gây xẹp phổi
Ban đầu, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai để điều trị tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim. Sau đó chuyển tiếp sang TT Y học hạt nhân và Ung bướu để điều trị.
Do 2 ung thư đều ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có rất nhiều hạch ở trung thất, hạch thượng đòn, tổn thương xương đa ổ. Khối u ở phổi đã to 6×4 cm, 3 khối u não kích cỡ 0,5-0,7 cm, u tuyến tiền liệt to gần 3 cm.
Sau khi hội chẩn, GS Khoa đánh giá trường hợp này phải kết hợp cùng lúc 4 “mũi tấn công”: Thứ nhất, dùng thuốc nhắm trúng đích điều trị ung thư phổi; Thứ hai, xạ trị gia tốc toàn não để tiêu diệt khối u; thứ ba, dùng thuốc đối vận điều trị ung thư tuyến tiền liệt; thứ tư, dùng thuốc chống hủy xương.
Dù bệnh nhân tuổi cao nhưng sau 3 tháng, kết quả điều trị rất tốt, bệnh nhân đỡ khó thở, đỡ đau đầu. Sau 9 tháng, ông Thân hết khó thở, không ho, không đau tức ngực, tăng 3kg, hết tiểu khó, khối u ở phổi xơ hoá, khối u trên não biến mất, khối u tuyến tiền liệt giảm còn 2 cm.
Hiện tại sau 1 năm điều trị, bệnh nhân vẫn khoẻ mạnh, khối ung thư tiếp tục nhỏ đi, không phát hiện thêm ổ di căn.
Khối u ở tuyến tiền liệt của bệnh nhân
Theo GS Khoa, với trường hợp ung thư phổi di căn não, tiên lượng thường rất xấu, có thể tử vong rất nhanh.
Trong khi đó, bệnh nhân tuổi cao nên gan, thận và tủy xương kém, không thuận lợi khi dùng các thuốc điều trị ung thư, dễ có biến chứng, nhiều tác dụng phụ và thường khó đi hết liệu trình.
May mắn, bệnh nhân đáp ứng rất tốt với thuốc ngay ở bước 1 nên khối u phổi xẹp nhanh và bệnh nhân được xạ trị não kịp thời, giải quyết nhanh các ổ di căn não.
Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 2 trong số các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới với 24.000 ca mắc mới. Tuy nhiên đến nay, điều trị ung thư phổi vẫn là thách thức khi số chết gần tương đương mắc mới, với hơn 21.000 ca tử vong mỗi năm.
Nguyên nhân khiến tỉ lệ ung thư phổi tử vong cao do có tới 80 – 90% số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4, lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hoá chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.
GS Khoa nhấn mạnh, 90% bệnh nhân ung thư phổi là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.
Đáng lưu ý, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời so với những người không hút thuốc.
Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân gây hàng loạt ung thư khác như thực quản, vòm họng, ung thư vú, tuyến tiền liệt, thận, bàng quang…
Nguồn: vietnamnet