Vùng biển Việt Nam có trên 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ. Các đảo trong vùng biển nước ta phân bố không đều, tập trung nhiều ở khu vực đông bắc với trên 3.000 đảo, còn lại nằm rải rác ở vùng biển Trung bộ, Tây Nam và 2 quần đảo xa bờ Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều hòn đảo mang những dấu ấn lịch sử từ thời xa xưa, cũng có hòn đảo mang trên mình những sự tích, truyền thuyết đặc biệt… Tất cả đều gắn với hành trình lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tiêu biểu trong những hòn đảo đặc biệt đó là đảo Song Ngư trên vùng biển Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” Phan Huy Chú viết: “Núi Song Ngạn ở cửa bể Hội Thống… giống như hình hai con cá, tục gọi là núi Song Ngư, người địa phương đơn giản gọi nó là đảo Ngư hay Hòn Ngư”. Đảo cách bờ hơn 4km, gồm hai hòn lớn nhỏ, diện tích chỉ có 2,5km2. Hòn lớn cao 133m, hòn nhỏ cao 88m so với mặt nước biển. Theo sử sách ghi lại, Song Ngư là nơi có phong thủy rất tốt, là vùng địa linh nhân kiệt. Vua Lê Thánh Tông, vị hoàng đế thứ 5 của nhà hậu Lê, những dịp đi tuần thú phương Nam, thường dừng thuyền nghỉ ngơi, ngoạn cảnh trên đảo và cao hứng viết những câu thơ: “Biển rộng khí yên hơi ngớt lặng/Âu nằm bãi vắng giăng đang say/Ba tòa u nhã đều thiêng lạ/Đảo cá lô nhô biếc phủ dài”.

Người dân xứ Nghệ còn lưu truyền câu chuyện rằng, xa xưa ở vùng biển Cửa Lò luôn có cuồng phong, sóng dữ. Để đổi lấy cuộc sống bình yên cho người dân đi biển, có hai ngư dân đã tự nguyện làm vật hiến tế. Và thật kỳ lạ, biển dậy cơn sóng khổng lồ rồi từ từ nhô lên hai hòn đảo liền kề nhau. Từ đó, biển Cửa Lò trở nên trong xanh, hiền hòa đến ngày nay. Ghi nhớ công ơn của hai người đã hiến thân mình hóa thành đảo ngăn phong ba sóng dữ, người ta đặt tên cho cặp đảo này là Song Ngư. Sự hình thành và những chiến công của hòn đảo qua thời gian đã làm nên một Song Ngư huyền thoại. Thời nhà Trần, nơi đây là vị trí chiến lược của tướng quân Hoàng Tá Thốn chống giặc Nguyên – Mông và là điểm chốt làm chậm bước tiến của thủy quân Chế Bồng Nga. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đảo Song Ngư là vị trí tiền tiêu của bộ đội ta đánh hải quân địch, bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đặc biệt trên đảo có ngôi chùa mang tên Song Ngư. Từ xưa thương nhân đi biển qua lại buôn bán thường vào đây thắp hương và cầu xin điều may mắn. Chùa Song Ngư được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII, trải qua thời gian chỉ còn lại một số dấu tích xưa như hai cây lộc vừng hàng trăm năm tuổi, giếng chùa, nền chùa. Năm 2005, chùa Song Ngư được phục hồi, tôn tạo trên nền cũ, với diện tích hơn 11 ngàn mét vuông. Ở sân chùa có một giếng nước, dân địa phương gọi là “giếng Thần”, đây là nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt. Giếng không sâu nhưng nước rất trong, rất ngọt và không bao giờ cạn. Nhằm khẳng định giá trị to lớn của chùa Song Ngư trong quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân trong tiến trình dựng nước và giữ nước, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của nhân dân vùng biển Cửa Lò và du khách thập phương, năm 2011 chùa Song Ngư được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đảo Song Ngư là địa chỉ cho nhiều người tìm đến khi về với vùng biển Cửa Lò. Vì vậy, việc hình thành tour dịch vụ du lịch đường thủy ở Cửa Lò là một trong nhiều hạng mục đầu tư của Dự án quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao Lan Châu – Song Ngư. Dự án đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 14-3-2014. Trong quy hoạch phát triển hệ thống du lịch tại thị xã biển Cửa Lò, Công ty cổ phần Song Ngư Sơn tập trung đầu tư 3 cụm chủ yếu là đảo Lan Châu, đảo Song Ngư và khu vực phường Nghi Hòa. Trong những năm tiếp theo, nhà đầu tư này sẽ triển khai các hạng mục còn lại, trong đó quan trọng nhất là xây dựng tuyến cáp treo nối từ đảo Song Ngư vào đất liền. Sau khi hoàn chỉnh các hạng mục thì đây sẽ là điểm thu hút rất lớn du khách tìm đến cả  bốn mùa trong năm, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.(*)

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn

Từ khóa : cửa lòhoàng saHòn đảoNghệ Antrường sa

Các tin liên quan đến bài viết