Mua nhà, đất bằng hợp đồng công chứng hợp pháp, đã nhận sổ đỏ, nhưng 4 năm qua bà Phạm Thị Trung (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) vẫn chưa được ở vì ngôi nhà bị người khác chiếm giữ.

Bỗng dưng bị chiếm nhà: Tiền đã trao, cháo bị người khác múc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Hường bên căn nhà và đất mà vợ ông chuyển nhượng lại của bà Tâm, bị người khác chiếm giữ gần 4 năm nay 

Đứng bên ngoài căn nhà, ông Nguyễn Trọng Hường (chồng bà Trung) nói như than: “Vợ chồng ông phải vay ngân hàng và mượn thêm tiền ngoài để có 355 triệu đồng mua căn nhà này từ bốn năm nay, nhưng tiền vay thì phải trả lãi, còn nhà thì người ta chiếm giữ. Tòa án xử lý kéo dài vẫn không xong”.

Mua nhà 4 năm vẫn không được vào ở

Theo ông Hường, ngày 1-11-2016, vợ ông ký hợp đồng mua thửa đất gần 500m2, trên đất có căn nhà cấp bốn tại buôn Trinh do bà Nguyễn Thị Tâm cùng hai con ruột là T.T.B.H. (khi đó 19 tuổi), T.Q.T. (khi đó 17 tuổi) ký bán.

Hợp đồng chuyển nhượng được chứng thực bởi phó chủ tịch UBND xã Ea Bar. Ngày 22-11-2016, giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Sông Hinh xác nhận cho phép chuyển nhượng thửa đất trên.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, nhận được sổ đỏ từ phía bà Tâm, chưa kịp dọn vào ở thì ngày 24-11-2016, ông Trần Quốc Phùng (chồng đã ly hôn của bà Tâm) và bà Huỳnh Thị Soạn (mẹ ông Phùng) đến chiếm giữ ngôi nhà này.

“Chúng tôi bức xúc làm đơn gửi chính quyền xã. Xã hòa giải mấy lần không thành. Đến tháng 7-2017, chúng tôi khởi kiện ông Phùng, bà Soạn ra TAND huyện yêu cầu tuyên buộc họ rời khỏi nhà đất mà chúng tôi đã mua” – ông Hường nói.

TAND huyện Sông Hinh tổ chức nhiều phiên hòa giải trong suốt hơn hai năm qua nhưng vẫn không có kết quả. Tháng 3-2020, bà Soạn có yêu cầu phản tố nên TAND huyện này đã chuyển vụ việc lên TAND tỉnh Phú Yên xử lý theo thẩm quyền.

Rắc rối tờ giấy cho đất

Theo bà Huỳnh Thị Soạn, năm 2010, bà có viết giấy tặng thửa đất cho vợ chồng con trai là ông Phùng và bà Tâm, nhưng chỉ cho để ở chứ không được bán. Vào tháng 6-2015 ông Phùng và bà Tâm ly hôn, thì một tháng sau UBND huyện Sông Hinh cấp sổ đỏ cho “hộ bà Nguyễn Thị Tâm” mà không có tên ông Phùng. Có sổ đỏ thì sau đó con dâu cũ đem bán căn nhà trên nên bà Soạn không đồng ý.

Bà Soạn cho rằng giấy cho tặng đất trong hồ sơ làm sổ đỏ cho hộ bà Tâm không đúng với giấy bà đã viết, cũng không phải chữ bà ký. Do vậy bà phản tố, yêu cầu tòa hủy giấy cho đất giả, hủy sổ đỏ đã cấp cho bà Tâm và hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa mẹ con bà Tâm với bà Trung.

Còn bà Tâm nói rằng khoảng năm 2006-2007, khi UBND xã Ea Bar yêu cầu cung cấp hồ sơ để làm sổ đỏ thì bà đã nộp toàn bộ giấy tờ gốc.

Nhưng sau đó xã làm thất lạc hồ sơ nên đề nghị bà làm lại tờ giấy cho tặng đất và bà ký tên bà Soạn vào để đủ điều kiện được cấp sổ đỏ. Lúc đó mọi việc yên ổn vì vợ chồng bà chưa ly hôn.

Bà Tâm cũng đưa ra chứng cứ sau khi ly hôn, bà cùng ông Phùng và hai con lập biên bản họp gia đình thống nhất để nhà đất này lại cho hai con là cháu H. và T. toàn quyền sử dụng, định đoạt. Ngày 28-10-2016, hai con làm giấy ủy quyền có xác nhận của UBND xã giao bà Tâm toàn quyền định đoạt nhà đất này.

Ông Phùng xác nhận biên bản họp gia đình là do ông ký nhưng ông chỉ thống nhất cho nhà đất cho cháu T., nay cả T. và H. cùng ủy quyền cho bà Tâm bán nên ông không đồng ý.

Vẫn phải chờ phán quyết của tòa án

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ksor Y Phun – phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh – cho biết qua kiểm tra hồ sơ được chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Sông Hinh cung cấp thì UBND huyện nhận thấy trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Nguyễn Thị Tâm đúng quy định pháp luật.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Tâm, hai con cho bà Phạm Thị Trung cũng tuân theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Phun nói do bà Soạn có phản tố, do vậy quan điểm của huyện là vẫn phải chờ phán quyết của tòa án. Một đại diện TAND tỉnh Phú Yên cho hay tòa này đã ra quyết định thụ lý vụ án nêu trên.

Chính vì những rắc rối trên mà việc mua nhà đất hợp pháp của vợ chồng bà Phạm Thị Trung, ông Nguyễn Trọng Hường rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

“Chúng tôi yêu cầu bà Soạn, ông Phùng phải trả nhà cho chúng tôi, còn nếu ở trong nhà thì hai người này hoặc bà Tâm phải trả lại 355 triệu đồng cùng tiền lãi cho gia đình tôi. Vậy nhưng chẳng ai chịu ai. Tòa thì xử lý quá chậm khiến thiệt hại của chúng tôi càng ngày càng lớn” – ông Hường bức xúc.

Nhà vừa mua, bị người khác bẻ khóa vào chiếm

Năm 2018, ông Đ.V.H. (ngụ Tiền Giang) mua một căn nhà trên đường Bà Hom (Q.6, TP.HCM) do bà N.T.H.L. đại diện ủy quyền bán. Việc mua bán này được công chứng hợp pháp và cập nhật biến động sang tên tại Văn phòng đăng ký đất đai Q.6. Sau đó, ông H. được bàn giao nhà và chìa khóa nhà.

Tuy nhiên, ông H. chưa vào nhà ở được ngày nào thì bị một phụ nữ khác là bà N.T.N. và người nhà của bà N. vào chiếm giữ nhà đến nay. Lý do, căn nhà ông H. mua bị tranh chấp trong vụ án “đòi nhà cho ở nhờ”.

Từ năm 1991, cụ B. (mẹ bà L. – người bán căn nhà cho ông H.) được tòa tuyên thắng kiện, được tuyên giao trả căn nhà. Tuy nhiên, bị đơn vẫn không đồng ý với quyết định này mà tiếp tục khiếu nại lên cấp giám đốc thẩm.

Bà N.T.N. – người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bị đơn trong vụ kiện – vẫn tiếp tục khiếu nại dù Viện KSND tối cao và TAND tối cao đã thông báo không có căn cứ chấp nhận yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm.

Sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan chức năng cưỡng chế gia đình bà N. ra khỏi nhà. Gia đình bà L. ở hợp pháp tại căn nhà đến khi bà bán căn nhà cho ông H.. Tuy nhiên, sau khi ông H. nhận nhà, bà N.T.N. đã dẫn người đến cản trở, đe dọa, phá khóa vào chiếm căn nhà ông H. vừa mua. Không còn cách nào khác, ông H. đành gửi đơn cầu cứu, tố giác tới cơ quan chức năng.

Năm 2019, Công an Q.6 đã khởi tố vụ án “xâm phạm chỗ ở của người khác”. Tuy nhiên, quyết định này không được Viện KSND Q.6 phê chuẩn. Theo viện kiểm sát, ông H. là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà nhưng ông chưa ở trong căn nhà này ngày nào.

Vì vậy, hành vi của bà N. không phạm vào tội “xâm phạm chỗ ở của người khác”. Sau đó, các cơ quan tố tụng đã hướng dẫn ông H. khởi kiện tranh chấp dân sự ra TAND Q.6 để giải quyết.

Trong khi các cơ quan tố tụng đang có những quan điểm trái chiều thì ông H. vẫn không thể sử dụng căn nhà mình mua hợp pháp, khiến ông phải dở khóc dở mếu.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chiếm NhàPhú Yêntranh chấp nhà đất

Các tin liên quan đến bài viết