Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau Covid-19 có thể tốn nhiều tiền của. Nhưng có một cách không tốn đồng tiền ngân sách nào mà chỉ cần từ bỏ quyền lợi của một nhóm nào đó
Chậm chạp và sợ trách nhiệm
Là một luật sư thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Đức Mạnh, công ty Luật TNHH Bizlink, thấu hiểu hơn hết doanh nghiệp nước ngoài nghĩ gì và cần gì khi đầu tư ở Việt Nam.
Dẫn câu chuyện về thu hút vốn FDI, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang là chủ đề nóng bỏng, ông Mạnh thấy rằng điều đó là điều cần thiết, tạo động lực phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi được hỏi làm gì để thu hút FDI, ông liền kể: “Qua làm việc và phản ánh của khách hàng, chúng tôi thấy rằng việc giải quyết thủ tục hành chính rất chậm, thậm chí nhiêu khê. Nhiều cơ quan sợ trách nhiệm nên công việc kéo dài hàng tháng, thậm chí gần 1 năm trời. Có một công ty Nhật Bản làm thủ tục gia hạn dự án ở một thành phố, nhưng gần 1 năm nay chưa xong thủ tục”.
Doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi hoạt động. |
“Doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh, người ta không thể hoạch định được chiến lược kinh doanh của mình, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Mạnh băn khoăn.
Ông nói tiếp: Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam và muốn gắn bó lâu dài nhưng việc họ thường xuyên gặp thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, quan liêu từ bộ máy chính quyền đã giảm niềm tin của nhà đầu tư, gây ra bức xúc. Người ta rất muốn làm cầu nối để thu hút FDI từ Nhật và các quốc gia khác đầu tư vào Việt Nam nhưng gặp những trường hợp như vậy họ rất chán nản.
Cho nên, ông Nguyễn Đức Mạnh cho rằng “phải cải cách môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thực sự”.
“Quan điểm của chúng tôi là cần có chế tài đối với cán bộ công chức giải quyết công việc chậm chạp như vậy. Phải xây dựng các chế tài rõ ràng, đủ mạnh để công chức phải làm việc, phải có trách nhiệm trong quá trình giải quyết. Nếu như không có chế tài, chỉ đôn đốc không thì nhiều khi như những khẩu hiệu suông, không mang lại thiết thực cho công cuộc cải cách”, ông Mạnh thẳng thắn.
Cùng chung nỗi niềm về thủ tục hành chính, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhấn mạnh trước các hậu quả của dịch Covid-19, ngành bất động sản “không xin tiền mà xin cơ chế”.
“Tôi đánh giá bất động sản sẽ gặp khó khăn từ năm 2018. Năm 2018 mới phát lộ ra những khó khăn nghiêm trọng của thị trường bất động sản, xuất phát từ điểm nghẽn thể chế, pháp luật. Bởi Luật Nhà ở quy định 100% đất ở mới được lựa chọn chủ đầu tư. Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015, tháng 12/2015 Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật có hiệu lực. Kể từ đó, các dự án mới lâm cảnh bế tắc”, ông Châu chia sẻ.
“Bây giờ để vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, vấn đề rất quan trọng chính là tháo gỡ vướng mắc về thể chế pháp luật, về cơ chế chính sách”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Bản thân ông Châu và hiệp hội đã có nhiều phát biểu, nhiều văn bản kiến nghị cụ thể để giải quyết các vướng mắc về thể chế, pháp luật, phát quang “rừng thủ tục” đang khiến bất động sản lao vào ngõ cụt.
Nhiều quy định pháp luật đang bó buộc sự phát triển. |
Không mất tiền, lợi ích lại lớn
Chia sẻ với phóng viên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cũng cho rằng, nếu thực hiện quyết liệt việc giảm phiền hà, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ “mang lại lợi ích lớn hơn nhiều” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thế nhưng, hiện nay vẫn còn tâm lý “ngại thay đổi”, sợ rủi ro, sợ sai. Nhất là khi nhiều cán bộ ngại động chạm, ảnh hưởng quan hệ.
Vì thế, giải pháp để có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng là các quy định pháp lý phải rõ ràng, tránh chồng chéo xung đột pháp luật. Bởi vì điều này không chỉ gây rủi ro cho doanh nghiệp mà còn cho những người thực thi công vụ.
Về môi trường kinh doanh của Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét: Xu hướng chung là Việt Nam đang tốt lên. Vai trò doanh nghiệp được nhìn nhận đánh giá khác hẳn trước. Vai trò doanh nghiệp tư nhân được khẳng định, không còn phải lăn tăn, suy nghĩ. Việt Nam đang đi theo các nước ở các khía cạnh minh bạch, thân thiện, ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng tốc độ chưa được như mong đợi.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ), nhấn mạnh: Hơn bao giờ hết việc cải cách quy định thuận lợi hơn cho doanh nghiệp là cần nhất. Việc tháo dỡ các thủ tục, quy định vốn là rào cản với doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp có động lực tốt để phục hồi.
Đánh giá các chính sách hỗ trợ bằng tiền của nhà nước chỉ “rất nhỏ so với mất mát của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ: “Tôi nói chuyện với nhiều doanh nghiệp. Họ nói rằng dỡ bỏ rào cản đi họ sẽ tìm ra đường phát triển, không cần phải bằng những chính sách hỗ trợ khác. Khi đó, tự doanh nghiệp có hướng sáng tạo, tìm hướng kinh doanh tốt hơn”.
“Hỗ trợ như thế không mất đồng tiền ngân sách nào, mà chỉ từ bỏ quyền lợi của một nhóm nào đó”, bà Nguyễn Minh Thảo bộc bạch.
Nguồn: vietnamnet