Thời gian qua trên địa bàn TPHCM có nhiều trận mưa lớn, gây ngập 22 tuyến đường. Theo báo cáo, so với năm 2008 thì TPHCM đã xóa ngập hơn 100 tuyến đường.
Ngày 9/6, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TPHCM) tổ chức họp báo tình hình chống ngập trên địa bàn thành phố.
Ông Vũ Văn Điệp – Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM – khẳng định TPHCM chỉ còn 22 tuyến đường bị ngập
Ông Vũ Văn Điệp – Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM – cho biết, từ đầu năm đến nay, TPHCM có mưa trên diện rộng, trong đó có 3 trận mưa lớn gây ngập 22 tuyến đường, ngập từ 0,1 đến 0,3m. Thời gian nước rút trên các tuyến đường từ 10-40 phút.
Về nguyên nhân, theo ông Điệp, vào đầu mùa mưa thường xảy ra những trận mưa cực đoan, cường độ mưa lớn gây quá tải cho hệ thống thoát nước hiện hữu.
“3 trận mưa có vũ lượng từ 70,6mm đến 112,3mm trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ gây quá tải cho hệ thống thoát nước hiện hữu (vượt tần suất thiết kế). Trong thời gian mưa các tuyến đường bị ngập nhưng hầu hết sau khi hết mưa trung bình khoảng 25 phút nước đã rút hết”, ông Điệp nói.
Mưa ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh
Dù còn nhiều tuyến đường bị ngập, song ông Điệp cho rằng so với trước thì công tác giảm ngập của thành phố cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, với cùng cường độ mưa 112,3mm, năm 2008 thành phố ngập 126 tuyến đường, thời gian nước rút chậm.
Hiện nay, thành phố đầu tư hoàn thành nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập đã được kéo giảm về số tuyến đường, chiều sâu ngập và thời gian ngập, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.
“Chúng tôi khẳng định đã giảm ngập từ 126 tuyến xuống còn 22 tuyến, thời gian ngập từ 15-30 phút sau khi hết mưa”, ông Điệp nhấn mạnh.
Cơn mưa chiều 3/6 gây ngập tuyến hẻm nối Nguyễn Hữu Cảnh – Điện Biên Phủ
Cũng theo ông Điệp, một bức xúc với hệ thống thoát nước của thành phố đó là việc lấn chiếm kênh rạch khiến dòng chảy bị thu hẹp như kênh A41, kênh Hy Vọng thoát nước cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Một số nơi lấn chiếm hệ thống thoát nước do lịch sử để lại và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo ông Điệp, trách nhiệm giải tỏa các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước thuộc về các địa phương nhưng tiến độ rất chậm.
Cảnh kẹt xe, ngập nước trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh
Thành phố có 67 vị trí lấn chiếm kênh rạch và đã xử lý được 34 vị trí, do đó ông Điệp cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ xử lý lấn chiếm. Ngoài ra, người dân còn xả rác bừa bãi làm chắn hố ga, khiến hệ thống cống không thu được nước mưa cũng là nguyên nhân gây ngập.
Về kinh phí đầu tư chống ngập trong giai đoạn 2016-2020, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, vốn ngân sách là hơn 7.000 tỷ đồng; vốn các dự án hợp tác công tư là gần 10.000 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là hơn 9.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn phục vụ giảm ngập là gần 26.000 tỷ đồng.
Theo Dân Trí