Tỷ lệ dịch vụ công được các bộ, ngành, địa phương cung cấp trực tuyến mức 4 đã đạt gần 14%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Song kết quả này vẫn còn xa mục tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm 2020.

Bộ TT&TT đã xác định rõ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.

Dịch vụ công trực tuyến phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả. Từ đó góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái
Tính đến tháng 5/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là gần 17.000 dịch vụ 

Thời gian vừa qua, theo đánh giá của Bộ TT&TT, nhiều bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng giúp giảm tải cho Trung tâm hành chính công ngay trong thời gian dịch bệnh.

Thông kê của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho hay, tính đến tháng 5/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là hơn 56.000 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 4 là gần 17.000. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 25,62%.

Nhiều dịch vụ công trực tuyến được cung cấp mức độ cao đã phát huy hiệu quả rõ rệt như dịch vụ về thuế, hải quan (Bộ Tài chính); các dịch vụ ngành bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); dịch vụ cấp thị thực điện tử, cấp hộ chiếu phổ thông (Bộ Công an); hay dịch vụ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Bộ Công Thương).

Đáng chú ý, thời gian qua, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã liên tục tăng, từ mức 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019; đạt gần 14% vào tháng 5/2020, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (khoảng 7%). Tuy nhiên, con số này vẫn còn khoảng cách lớn so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đạt được trong năm 2020 là 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Đến nay, mới chỉ có 13 bộ, ngành, địa phương hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 gồm có 6 bộ, ngành: KH&ĐT, Nội vụ, Tài chính, TT&TT, Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 7 tỉnh, thành phố: An Giang, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Thừa Thiên – Huế, Tiền Giang và Nam Định.

Thực hiện vai trò điều phối phát triển Chính phủ điện tử nói chung và thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến nói riêng, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ TT&TT đã liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Đơn cử như, ngày 19/3/2020, Bộ TT&TT đã có công văn 929 đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt để cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tiếp đó, vào ngày 11/5/2020, Bộ TT&TT có văn bản 1718 thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến ngày 12/2 của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trong đó cũng nhấn mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Cụ thể, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tận dụng ngay các hệ thống thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức 3,4 của tất cả các thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, từng bước có lộ trình nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin để xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.

Cùng với đó, các bộ, tỉnh cũng được đề nghị tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020. Thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Quyết định 411 ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020 bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh tuân thủ Thông tư 22 ngày 31/12/2019 của B Bộ TT&TT quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; Thông tư 18 ngày 25/12/2019 của Bộ TT&TT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành” (QCVN 120:2019/BTTTT). Thời gian cần hoàn thành là tháng 9/2020.

Nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, Bộ TT&TT còn đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với một số hệ thống thông tin như: Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT phục vụ việc đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BTTTT;

Hệ thống của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) để phục vụ triển khai Quyết định 45 ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc do Bộ TT&TT quản lý để hỗ trợ thanh toán, đối soát thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia do Bộ TT&TT quản lý nhằm định danh và xác thực người dân, doanh nghiệp trong giao dịch điện tử với các cơ quan nhà nước.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cung cấpdịch vụ côngdoanh nghiệpngười dântrung tâm hành chính công

Các tin liên quan đến bài viết