Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), toàn thế giới có khoảng 175 triệu lao động trẻ em ở độ tuổi 5 – 17, trong đó 73 triệu trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm.
Năm 1925, Hội nghị Thế giới về quyền lợi trẻ em được tổ chức ở Geneva (Thụy Sĩ) và lấy ngày 1-6 làm Ngày quốc tế thiếu nhi – ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của loài người, đồng thời cũng là ngày nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn.
Tuy nhiên ở nhiều nơi, trẻ em vẫn thiếu sự bảo vệ, vẫn bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động…
4 tuổi đã đi làm
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên khởi phát ở Anh vào cuối thế kỷ 18 rồi lan rộng ra khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Dù mang lại những bước tiến lớn lao trong sản xuất công nghiệp thế giới, nhưng mặt tiêu cực của nó là sản sinh nạn khai thác và bóc lột sức lao động của trẻ em. Lực lượng lao động trẻ em đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp này.
Do luật lệ thời đó rất lỏng lẻo, nên các chủ doanh nghiệp ưa chuộng thuê lao động là trẻ em vì mức lương rất thấp (chỉ bằng 10-20% mức lương trả cho người lớn), chúng lại ngoan ngoãn dễ bảo hơn các lao động trưởng thành.
Một yếu tố khác làm cho lao động trẻ em càng phổ biến là nghề nông thời đó có thu nhập thấp lại rất bấp bênh. Nhiều gia đình tầng lớp lao động đã buộc phải cho con đi tìm việc làm để có thêm thu nhập. Do đó, trẻ em thuộc gia đình nghèo phải làm việc từ lúc 4 tuổi.
Trong các xưởng dệt ở Anh và Mỹ, lao động trẻ em rất được giới chủ ưa chuộng. Nhờ vóc dáng nhỏ bé nên trẻ có thể chui vào bên dưới các máy dệt đang hoạt động để thu gom sợi bông rơi rớt để tái sử dụng, len vào các chỗ chật hẹp để thay suốt, leo cao nối sợi đứt, luồn tay vào trong máy gỡ các nhúm bông làm kẹt trục…
Đây là những công việc rất nguy hiểm vì sơ sẩy là bị cuốn vào máy, có thể bị tàn phế hoặc tử vong. Ngoài ra, trẻ còn bị giới quản lý đánh đập nặng tay nếu không cố gắng làm việc.
Ngoài những công việc trên, xã hội có một nghề mà chỉ trẻ em mới làm được: thông ống khói lò sưởi. Thời đó các gia đình xài lò sưởi xây bằng gạch, đá để đốt củi hoặc than sưởi ấm, sau một thời gian ống khói bị tắc nghẽn vì tro xỉ tích tụ.
Trẻ em với thể hình nhỏ bé có thể chui vào trong lòng ống khói nạo tro xỉ. Nhưng nghề này cũng rất rủi ro vì trẻ có thể bị mắc kẹt trong những chỗ quá hẹp và nghẹt thở, và nếu làm lâu ngày, trẻ bị các bệnh về mắt và phổi vì thường xuyên tiếp xúc với bụi tro.
Công việc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em (và cả người lớn) là làm việc ở các hầm mỏ. Với công nghệ khai thác bằng thủ công là chính và không chú trọng khâu bảo hộ lao động, các tai nạn như sập hầm, nổ do khí methan tích tụ là chuyện thường xảy ra.
Nơi đây trẻ em phải làm các công việc nặng nhọc như đẩy xe chở than từ mỏ ra ngoài, lựa tạp chất ra khỏi số than vừa khai thác. Công việc nhẹ hơn là đóng mở cửa mỏ nhưng trẻ thường phải ở trong bóng tối làm ảnh hưởng xấu đến thị lực.
5.000 tấm ảnh và đạo luật bảo vệ trẻ em
Ở Anh, từ năm 1850 trở về sau, việc sử dụng lao động trẻ em bắt đầu sụt giảm với việc ngày càng có nhiều hiệp hội của giới lao động được thành lập.
Đạo luật đầu tiên về lao động trẻ em ra đời năm 1803 và đạo luật Hãng xưởng ban hành năm 1809 quy định về thời gian làm việc của trẻ em không được quá 12 giờ/ngày. Tuy vậy, các luật này không cải thiện được bao nhiêu tình trạng bóc lột lao động trẻ em.
Năm 1831, thêm một đạo luật quy định các chủ doanh nghiệp không được buộc trẻ em từ 11 – 18 tuổi phải làm việc quá 12 giờ/ngày, trẻ em từ 9 – 11 tuổi không phải làm việc quá 8 giờ/ngày và cấm sử dụng trẻ em dưới 9 tuổi. Nhưng luật này có kẽ hở là chỉ ràng buộc các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt mà thôi.
Mãi đến năm 1847, mới có một đạo luật quy định giờ làm việc của lao động người lớn và trẻ em không được quá 10 giờ/ngày.
Ở Mỹ, vào những năm đầu thế kỷ 20, có khoảng 2 triệu lao động trẻ em dưới 15 tuổi làm việc trong các ngành công nghiệp (chiếm 18% số lao động của nước Mỹ thời kỳ đó). Nhiều nhà hoạt động xã hội bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ, phản đối việc lạm dụng trẻ em làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học hành của trẻ.
Đồng thời, họ lo ngại vấn đề này sẽ tạo nên sự trì trệ trong phát triển của nước Mỹ trong tương lai, bởi trẻ em phải lao động từ quá sớm sẽ tạo nên những thế hệ thanh niên sớm suy kiệt sức khỏe và học hành không đến nơi đến chốn.
Năm 1904, Ủy ban Quốc gia về lao động trẻ em được thành lập ở Mỹ để vận động từng tiểu bang chấp nhận các quy định về bảo vệ trẻ em, nhưng việc này tiến triển rất chậm. Một thành viên của ủy ban, nhà hoạt động xã hội Lewis Hine, quyết tâm đánh động công luận Mỹ về vấn nạn lạm dụng lao động trẻ em.
Trong giai đoạn từ 1908 – 1917, mỗi năm Lewis Hine đi khắp nước Mỹ với quãng hành trình hơn 80.000 km để chụp nhiều bức ảnh về tình cảnh thê thảm của lao động trẻ em. Vào năm 1910, các trẻ phải làm việc rất vất vả nhưng hưởng mức lương bèo bọt là 90 cent/tuần.
Lewis Hine đã chụp hơn 5.000 bức ảnh rất xúc động về lao động trẻ em, sau đó ông mang đến quốc hội, các cơ quan chính phủ và báo chí để thuyết phục chính phủ ban hành các quy định về bảo vệ trẻ em. Nhờ đó, năm 1915, Quốc hội Mỹ thông qua luật về bảo vệ trẻ em, trong đó cấm các doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em dưới 14 tuổi.
Nhưng phải đến năm 1938, đạo luật Tiêu chuẩn công bằng lao động mới được ban hành, cấm tất cả các loại hàng hóa có sử dụng lao động trẻ em bị cưỡng bức làm việc. Luật này cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi, và cấm sử dụng trẻ từ 16 – 18 tuổi vào các công việc nguy hiểm (trừ lĩnh vực nông nghiệp).
Ngày nay, đạo luật này vẫn còn hiệu lực và là nền tảng cho các đạo luật khác về bảo vệ trẻ em của Mỹ sau này.
Sau này, khi công nghệ phát triển với những loại máy móc thiết bị tân tiến đòi hỏi phải có lực lượng lao động có học vấn để vận hành, có thêm nhiều đạo luật chế tài nghiêm khắc cùng với luật giáo dục quy định trẻ phải được đi học, việc sử dụng lao động trẻ em ở các nước phương Tây mới chấm dứt.
Tuy vậy, hiện nay ở nhiều nước, việc sử dụng lao động trẻ em vẫn còn khá phổ biến. Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 2016 toàn thế giới có khoảng 175 triệu lao động trẻ em ở độ tuổi 5 – 17, trong đó 73 triệu trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm.
Khoảng 60% trẻ làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, 25% trong các lĩnh vực dịch vụ như phục vụ trong hàng quán, chạy việc vặt, bốc xếp, phân loại rác, đánh giày, bán hàng rong và các nghề khác.
Trong số 175 triệu lao động trẻ em, gần một nửa là trẻ em ở độ tuổi từ 5 – 11 tuổi, 70% trẻ là làm phụ giúp bố mẹ (không hưởng lương) trong các hoạt động sản xuất dịch vụ của gia đình.
Nguồn: tuoitre.vn